Hôm rồi bị bệnh đột ngột, Thầy kinh nghiệm và có bài pháp. Chỉ do mình sơ ý trong vòng mười lăm phút mà bệnh phải nằm bao nhiêu ngày. Vừa rồi, trong khi Thầy đang tắm ở vòi nước nóng, bất chợt điện cúp, nước trở lạnh thình lình, hậu quả là Thầy bị cảm nặng.
Như vậy tụi con mới thấy, do sơ ý thiếu dè dặt, sự cố xảy ra rồi sanh bệnh về thân. Về tâm cũng vậy. Nếu bất cẩn không dè dặt, thân tâm có phản ứng mạnh liền, nên người tu phải cẩn thận tối đa. Như Thầy sau vụ đó, khi tắm bảo chú Thị giả cho thùng nước ấm vào múc tắm là bảo đảm; còn máy móc Thầy sợ rồi, bất chợt có sự cố tai họa không lường nổi. Máy móc dụ cho những buồn bực phiền não của mình, bất chợt không làm chủ được phát ra. Đó là Thầy kinh nghiệm qua việc tắm bị bệnh.
Bây giờ Thầy có mấy vấn đề nói với tụi con.
Vấn đề thứ nhất: Mục đích tụi con tu để đạt đến cái gì? - Để cầu giải thoát sanh tử. Tại sao Thầy nói câu đó? Vì đức Phật đi tu mục đích là giải thoát cảnh sanh già bệnh chết, giải thoát sanh tử.
Vấn đề thứ hai: Tại sao mình phải sanh tử?
- Do nghiệp dẫn đi trong lục đạo luân hồi. Như vậy nghiệp là cái dẫn tụi con đi trong sanh tử.
Vấn đề thứ ba: Cái gì tạo nghiệp? - Từ thân, khẩu, ý, ba cái gốc đó tạo ra nghiệp. Muốn giải thoát sanh tử là phải giải thoát nghiệp. Nhưng nghiệp từ đâu ra? Phải đào bới cho tận gốc, từ thân khẩu ý, mà gốc là ý. Bởi vậy ý nghĩ tốt thì miệng nói tốt, thân làm tốt; ý nghĩ xấu miệng nói xấu, thân làm xấu. Như vậy ý nghĩ tốt tạo ba nghiệp lành, ý nghĩ xấu tạo ba nghiệp dữ. Ba nghiệp lành thì sanh về cõi trời, a-tu-la, người; ba nghiệp ác rơi vào đường địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh. Tóm lại, dẫn chúng ta đi cõi lành hay cõi dữ gốc là nghiệp, nghiệp từ ba món thân, khẩu, ý mà ra. Đó là trả lời cho vấn đề thứ ba.
Thân khẩu ý tạo nghiệp, mà ý là chủ. Bây giờ muốn hết nghiệp phải làm sao? - Phải lặng ý, vì ý là chủ động, ý dừng thì mấy cái kia dừng. Như tụi con hiện giờ tu trong giờ ngồi thiền là tu cái gì? Là tu để dừng ý, ý nghiệp dừng thì mấy cái kia dừng, giải thoát sanh tử luân hồi.
Vậy đã thấy cái gốc sự tu chưa? Nhiều khi tu mà không rõ tại sao phải ngồi thiền, rồi cứ giải thích trên trời trên mây không thực tế. Thầy nhắc lại, nghiệp từ thân khẩu ý, ý là chủ động, nên muốn dừng ba nghiệp trước phải dừng ý. Ý lặng là định. Tụi con ngồi thiền cốt được định, ngay khi định là có tuệ. Vậy hiểu nguồn gốc của nó chưa?
Nếu bây giờ giả sử có người đặt câu hỏi: “Khi ý lặng thì còn gì? Hết nghiệp rồi hết trơn luôn sao? Làm sao chứng minh cái chân thật hiện tiền?”
Bài thuyết pháp hết sức đơn giản mà nói lên bản hoài chúng ta là câu chuyện Lục Tổ. Khi người ta rượt đuổi giành y bát, ngài Huệ Năng nói: “Y bát là vật làm tin, có thể dùng sức mà tranh sao?” Rồi Ngài đặt y bát lên bàn thạch, vào ẩn trong bụi cây. Huệ Minh đuổi theo kịp, tới ôm y bát mà không nhấc lên nổi, ông mới thấy giành y bát là tâm niệm thế tục. Y bát là biểu tín Tổ Tổ truyền nhau, đây không phải là chuyện phàm tục có thể làm được, nên ông chuyển tâm thế tục thành tâm cầu đạo. Huệ Minh mới kêu lớn:
- Cư sĩ! tôi vì pháp mà đến, chớ không phải vì y bát.
Khi nghe nói vì pháp, ngài Huệ Năng ở trong bước ra:
- Nếu ông cầu pháp thì lắng tâm nghe ta hỏi: Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, cái gì là Bản lai diện mục của Thượng tọa Minh?
Ngay đó Huệ Minh liền ngộ. Ngộ cái gì? - Ngộ cái Bản lai diện mục khi không nghĩ thiện không nghĩ ác. Như vậy tu là nghĩ xấu cũng bỏ, nghĩ tốt cũng bỏ, đó là dừng cả nghiệp ác lẫn nghiệp lành, vì lành hay dữ cũng đều là luân hồi trong lục đạo. Buông hết niệm lành dữ thì Bản lai diện mục hiện tiền. Khi ngồi mà tâm không có niệm nào hết, lúc đó tụi con biết không?
- Dạ, biết.
Vậy thì cái biết đó hiện tiền đâu có mất. Như vậy niệm khởi là động cơ tạo nghiệp, dẫn mình đi trong luân hồi, nay không muốn tạo nghiệp thì phải dừng động cơ đó. Rõ chưa?
- Dạ, rõ.
Chỉ mấy vấn đề đó tụi con nắm vững thì trên đường tu không nghi ngờ gì.
Thứ nhất: Mục đích tu để đạt cái gì? - Tu để giải thoát sanh tử.
Thứ hai: Cái gì dẫn mình đi trong sanh tử luân hồi? - Chính là nghiệp.
Thứ ba: Nghiệp từ đâu ra? - Nghiệp từ thân khẩu ý ra, ý là chủ động. Bây giờ muốn dứt ý chủ động thì phải tu thiền để dừng các ý nghĩ thiện ác. Còn có nghĩ, có niệm tưởng là còn tạo nghiệp luân hồi. Dừng ý nghiệp thì cái chân thật hiện tiền.
Tư tưởng của mình lát thế này, lát thế kia, đâu có thật, còn cái hằng giác hằng tri mới là chân thật. Cái thật của mình có sẵn, nhưng bị nghiệp che lấp. Nên Lục Tổ bảo dừng lại, không nghĩ thiện, không nghĩ ác thì cái chân thật hiện bày, chớ không có gì khác.
Bài thuyết pháp ngắn này tụi con nhớ để tu. Hiểu rõ rồi thì không phiền trách sao Thầy cứ bắt bỏ vọng tưởng hoài mà không làm gì khác.
Ã
Người tu nếu không được bào gọt, đẽo đục thì đâu thành pháp khí. Bào gọt đục đẽo tất phải bị đau, không có cách nào nhẹ nhàng êm ái hết. Nên đi tu thường phải bị rầy. Ở nhà ba má không rầy, vào chùa bị rầy hoài tưởng chừng ở chùa dở hơn ở ngoài. Nhưng không phải vậy, vì ở ngoài sống theo thế gian, những cái xấu nhỏ ba má không để ý; còn ở đây sống trong đạo lý, cầu giải thoát sanh tử, nên tất cả thói quen, tật xấu nhỏ lớn đều phải dũa gọt. Lớn thì quở theo lớn, nhỏ rầy theo nhỏ, làm sao cho càng ngày càng sạch. Như vậy tụi con mới giải thoát sanh tử được, chớ sống theo thế gian làm sao giải thoát!
Hiểu rồi tụi con không trách vì sao vào chùa bị rầy nhiều, phải nghĩ đây là cơ hội tốt để mình sớm trong sạch hơn, sớm thảnh thơi độc hành độc bộ. Tụi con muốn độc hành hay đa hành? Nhiều khi Thầy thấy tức cười, ai cũng cầu giải thoát mà đi một mình không chịu, cứ kéo lôi người này người kia cùng đi, như vậy làm sao đi tới nơi? Cho nên người tu phải can đảm. Nói như vậy cũng đừng hiểu lầm quí Thầy độc hành độc bộ là chỉ lo cho riêng mình.
Độc hành nghĩa là trên đường tu không có gì trói buộc, lôi kéo, đi một cách thong thả tự tại, chớ không phải chỉ lo cho mình còn ai mặc họ. Như Thầy đi cả đoàn mà vẫn độc hành độc bộ, đường Thầy Thầy đi, còn ai đi sau cứ thấy mà theo chớ không bị trói cột.
Đa số người tu thường bị trói cột, người này đi người kia giật dây lại, cứ nhùng nhằng như vậy hoài, rồi lạc đường không đi tới đâu. Đi tu rất tốt nhưng phải gan. Cái gì không đúng đạo lý giải thoát phải cắt gỡ, như vậy trên đường tu mới giải thoát được, còn cứ cột trói hoài làm sao giải thoát nổi.
Nghĩa lý giải thoát hết sức đơn giản, như bị cột trói thì bây giờ mở ra. Mở ra tức tự do, còn trói thì hết tự do. Nhưng cái gì trói cột chúng ta? Ai cột chúng ta? Đó là điều thật phi lý. Tâm niệm hướng về giải thoát, dứt khoát sự trói buộc của gia đình, đi tu là nguyện cắt đứt hết, cho nên khi cắt tóc nói: cát ái từ sở thân. Vậy mà vô chùa cột lại, vô lý làm sao! Vô lý không thể tha thứ được! Do đó phải gan dạ, cắt được rồi là cắt luôn, đừng để bị cột trói bởi cái gì hết. Được như vậy mới tự tại.
Thí như dòng suối nhỏ, nước ở trên chảy tràn xuống, tụi con thấy dòng nước chảy mạnh. Còn nếu ở dòng sông lớn, nước chảy nhè nhẹ, ra tới biển thì không thấy dòng nước chảy nữa mà vẫn có thủy triều đều đều. Cũng vậy, lòng mình hẹp hòi thì những ràng buộc vô lý sẽ siết chặt, còn nếu mở rộng lòng ra, mọi cột trói đều không đáng kể.
Như vậy, tu mở rộng lòng là cắt mấy sợi dây ràng buộc nhỏ, mở rộng ra đoàn thể lớn. Nếu rộng ra như biển cả thì tâm mình thênh thang. Người tu phải như vậy. Đừng để cắt đời rồi vào đạo cột lại, vô tình sư chú sư bác, sư huynh sư đệ mình cũng hơn người khác. Tụi con ở trong chúng, ai cũng như ai, phải quí trọng giống nhau.
Hồi xưa, Thầy phục Hoà thượng Giám đốc cũng vì vậy. Hoà thượng có hai chủng tử là cô Như Hoa và thầy Tịnh Đức. Thầy Tịnh Đức nhỏ tuổi hơn Thầy một chút, người hiền hoà sáng suốt, học lớp gần với Thầy, học giỏi và cần mẫn giống Hoà thượng. Hoà thượng làm Giám đốc ở trong trường nhưng không bao giờ gọi thầy Tịnh Đức lên hầu, không bao giờ gọi riêng người thân của mình để sai bảo.
Có người kể lại, không biết có thật không. Kể rằng ngày Hoà thượng đi tu, thầy Tịnh Đức còn chạy lẫm đẫm. Khi Hoà thượng xuống thuyền, thầy Tịnh Đức chạy theo. Hoà thượng xô thuyền ra, thầy Tịnh Đức nhào xuống sông mà Hoà thượng vẫn đi thẳng. Người nhà vớt lên. Thật là gan quá! Tụi con có gan vậy không?
Bởi vậy, đi tu rồi, mình là người của tất cả chớ không của riêng ai, đó là tinh thần sống vì người. Nhờ vậy các ngài làm Phật sự dễ. Tụi con bây giờ đi tu rồi, cũng còn coi người thân là nặng là quí, sơ thì không quí, đó là còn phân biệt. Chúng ta nên khéo tu một chút, sao cho tâm không còn thân sơ. Nếu còn cột đó là người thân của mình, người đó vui hay buồn đều có dính đến mình, phải chịu lây. Còn nếu thấy ai cũng như ai thì người buồn hay vui mình cũng thấy bình thường, lòng không xao xuyến. Tu như vậy mới khỏe, lòng mới an ổn. Còn trói buộc hoài, tu năm này tháng nọ, cuối cùng vẫn vụng về dốt nát, không tới đâu. Cho nên phải sáng suốt, khôn ngoan và can đảm.
Như kỳ thầy Tịnh Đức bệnh sắp tịch, Hoà thượng Giám đốc đứng phía trên đầu, Thầy đứng bên cạnh. Thầy Tịnh Đức bệnh mê man mà cứ tụng kinh Di-đà không sót một chữ, lại hô chuông thật lảnh lót, không ai nghĩ đó là người sắp chết. Đến lúc thầy Tịnh Đức ra đi, Thầy rớt nước mắt mà thấy Hoà thượng vẫn bình an không rơi một giọt nước mắt. Chứng kiến cảnh đó ai cũng nể!
Người xưa tinh thần rất mạnh, tuy đi tu muộn nhưng ý chí quyết liệt. Hoà thượng đi tu vào thời Pháp thuộc, đến đâu cũng phải có giấy thuế thân, nếu không ở lâu bị bắt bớ khó lòng lắm. Vậy mà Hoà thượng ra tới Huế là xé hết giấy tờ bỏ không dùng nữa. Thư nhà gởi ra xé bỏ sọt rác không đọc. Còn tụi con bây giờ trông thư quá, phải không? Thầy được gần Hoà thượng, rất quí chỗ can đảm đó. Tụi con ráng tập gan dạ như vậy thì chuyện tu hành dễ thành công. Nhiều người còn nặng gia đình quá, bỏ lên cân cũng tương đương với chùa, vậy là dở.
Đó là ràng buộc nơi gia đình và người thân, lại còn ràng buộc của bản ngã nữa. Tụi con thấy ràng buộc bản ngã chưa? Chuyện mình thì nặng, chuyện người thì nhẹ. Thí dụ mình đau một chút rên rỉ, còn người khác đau thì coi nhẹ, không dính gì với mình. Đó là cái yếu, nghĩ về mình nhiều quá.
Hôm rồi, Thầy nói Thầy tu ích kỷ, nhưng ích kỷ của Thầy khác, không phải một bề tiêu cực lo cho mình. Thầy ích kỷ là dẹp hết các duyên lăng xăng bên ngoài, nỗ lực phăng tìm cho ra con người thật, biết rõ thân tứ đại và tâm duyên theo bóng dáng sáu trần là hư ảo nên không coi trọng. Thấy được cái thật rồi đem chỉ dạy cho mọi người thì hết ích kỷ, trở thành cao thượng.
Người đời ích kỷ vì chấp thân tứ đại. Bây giờ giả sử tụi con ăn tất cả những món ngon vật lạ, uống tất cả các thứ quí, được khỏe mạnh sống dai tới chừng nào? Nhiều lắm là trăm tuổi. Có nhiều khi ăn ngon, sống sung túc quá, lại hay sanh bệnh phải uống thuốc. Bởi vậy, thân này không bảo đảm an toàn. Dù ta có yêu quí, bảo vệ đúng mức, sớm muộn gì nó cũng hoại.
Biết rõ rồi phải cố gắng tu, tìm cho ra cái chân thật nơi mình. Chư Tổ đã nói hết lời, còn Thầy nhắc hoài, chỉ để tụi con nhận ra cái thật. Thấy được cái đó thì bình an, sống thảnh thơi tự tại, xứng đáng một đời tu.
Ã
Quí Phật tử về đây tu tiến bộ nhiều ít? Không ai dám nói, thôi để tôi nhắc cho quí Phật tử tu.
Nhiều người nghĩ rằng tu niệm Phật tụng kinh, tụng được mấy bộ kinh, niệm được mấy xâu chuỗi, còn kể ra được, chớ ngồi thiền làm thinh hoài, không thấy cái gì hay lạ, vậy tu có ích lợi gì? Đó là điều tôi muốn nói hôm nay.
Bình thường, sáu căn chúng ta, mắt tai mũi lưỡi thân ý cứ chạy theo sáu trần bên ngoài, giống như cây đèn rọi ra ngoài. Khi rọi ra thì sáng bên ngoài, còn ở phía trong tối. Nếu người tu chạy theo bên ngoài, dính mắc với trần cảnh thì theo đó tạo nghiệp sanh tử luân hồi. Nay muốn đừng dính cảnh nữa phải soi lại mình. Bởi vậy trọng tâm sự tu là biết mình. Người thế gian mê muội, sống không biết mình là gì. Bây giờ vào đây tu cốt làm sao biết lại mình.
Như quí Cô ở đây, khi ngồi thiền muốn cho các căn của mình soi sáng trở lại thì phải mượn phương tiện là hơi thở. Hít vô thở ra, nương nơi hơi thở mà tâm an định. Biết hơi thở vô ra, niệm dấy lên cũng biết, như vậy là phản quan, soi sáng lại mình. Nhờ soi sáng lại mình nên mới thấy rõ được hơi thở ra vô, thấy rõ được tâm niệm sanh diệt. Nếu tu quán, khi thấy hơi thở ra vô liền nghĩ, thân này còn là do hơi thở, nếu thở ra không hít vào là chết. Như vậy mạng sống vô thường chỉ trong một hơi thở. Đó là nương hơi thở để quán.
Ở đây không dùng quán, biết thân này là vô thường, chắc chắn không nghi. Bây giờ chỉ cần biết tâm của mình là thật hay giả. Khi tâm dấy khởi biết không thật thì nó tự lặng. Rồi dấy niệm khác, liên tục hết niệm này đến niệm kia, mình cũng biết rõ ràng. Tôi dùng từ vọng tưởng hư dối, vì nó sanh diệt mà lâu nay lầm chấp là tâm mình. Do chấp nó là tâm mình nên gây ra nhiều tai họa vô kể. Vì nghĩ đó là tâm tôi, cho tâm tôi là thật, nên tôi nghĩ cái gì cũng đúng, người nào nghĩ khác tôi sẽ nổi giận, rồi phiền não, cãi lẫy hơn thua...
Quí Phật tử thấy tâm mình hư dối, chợt có chợt không, chợt sanh chợt diệt. Suy nghĩ hư dối làm sao là chân lý được? Không phải chân lý thì người khác tin hiểu giống như mình cũng tốt, không giống cũng được, đó là quyền của người ta. Cái suy nghĩ của mình không thật, của người kia cũng giả, cả hai cùng giả thì hơn thua để làm gì!
Thế gian chấp thân này là thật, dồn mọi sự lo lắng, ăn uống cho nó. Nếu mình có, người khác không có thì họ giành với mình, hoặc người khác có mình không thì mình giành với họ. Giành giật vật chất để bồi dưỡng cho thân. Nay chúng ta biết thân không thật mọi nhu cầu sẽ giảm đi. Quí Phật tử biết thân không thật, ăn thịt cá hay rau cỏ cũng vậy thôi, cốt duy trì mạng sống tạm chớ không cố chấp.
Đối với tâm, chúng ta thường chấp thật. Do chấp thật nên phiền não. Ở gia đình, vợ chồng không hoà nhau, chồng nghĩ thế này vợ nghĩ thế kia, nghĩ khác nhau nên bất đồng ý kiến rồi cãi vã, nhiều khi sanh ra chuyện đổ vỡ chia tay. Đối với mẹ con, anh em cũng như thế. Mẹ nghĩ như vầy đúng, con nghĩ khác cũng cho đúng, rồi sanh chuyện cãi nhau. Từ chỗ chấp cho mình là đúng mà tình cốt nhục chia lìa, nghĩa huynh đệ phân ly. Bây giờ biết nó là vọng tưởng hư dối thì đâu còn chấp.
Như khi nãy bên đồi kia chuyển mưa, sấm sét nổi ầm ầm, mình nghĩ gió thổi qua hướng này, nhất định chút nữa bên này mưa. Nếu có ai nói không mưa thì giận liền. Đâu ngờ một lát gió thổi tạt chỗ khác, không mưa. Như vậy sự suy nghĩ không đúng lẽ thật. Tại sao mình suy nghĩ không bảo đảm đúng mà lại bắt người khác phải theo?
Bây giờ quí Phật tử thử xem lại, từ xưa đến giờ mình nghĩ nhiều hay ít? Nghĩ trăm việc đúng được chừng ba mươi việc là cùng. Vậy mà bắt người khác phải theo sự suy nghĩ của mình. Đó là điều sai lầm hết sức lớn.
Cho nên người tu thiền, lúc đầu phải thấy thân này là vô thường tạm bợ, thở ra không hít vô lại là chết. Mạng sống vô thường, không có gì lâu bền. Đã không lâu bền mà ham thụ hưởng nhiều vật chất để làm gì? Sống vừa phải, không chấp tài sản, của cải, các vật dụng và nhu cầu của mình. Không chấp, không đòi hỏi là thức tỉnh thứ nhất.
Thức tỉnh thứ hai là biết tâm nghĩ tưởng của mình không thật, không phải là chân lý. Nếu có ai nói mình nghĩ sai, liền biết vọng tưởng không thật, có gì đúng sai, nên chẳng buồn phiền. Đó là đã thức tỉnh. Đâu có Thiền sư nào nói thân thật, vọng tưởng thật.
Bước kế đó là khi tất cả vọng tưởng lặng xuống, mới thấy cái thật của mình sẵn có đầy đủ mà lâu nay bỏ quên.
Hôm nay tôi chưa nói tới bước kế, chỉ nói hai bước đầu là giác ngộ thân không thật, không lâu bền và tâm suy nghĩ lăng xăng là hư ảo. Rõ hai cái đó là giác ngộ, còn thế gian chấp thân thật, chấp tâm suy nghĩ thật, nên gọi là mê. Vậy mấy cô tỉnh kha khá chưa? Hay nghe tôi nói thì tỉnh, gặp việc rồi lại quên, trở thành mê? Đâu phải chỉ cư sĩ mới mê, kể cả người tu lâu lâu gặp việc cũng mê như thường.
- Dạ, tụi con mê một chút tỉnh liền.
- Mê một chút là không ai chịu nổi rồi! Vừa mê thì miệng nói bậy thân làm bậy, tỉnh lại chuyện đã rồi.
Ã
Có khi ngồi thiền rất khó chịu, lại có khi ngồi rất thoải mái, tụi con biết tại sao không? Có khi nào mấy đứa ngồi nghe đau, muốn đứng dậy đi liền không?
- Dạ, có.
Khi ngồi tâm an định, ngồi hoài không muốn xả. Hôm nào bất an, ray rứt thì ngồi không yên. Đó là kinh nghiệm tọa thiền, tụi con phải khéo điều hoà một chút.
Thầy báo cho tụi con biết, vừa rồi có hai Xơ xin Thầy tháng 3 dương lịch cho hai mươi Xơ lên đây tập tu với tụi con. Hỏi lý do gì mà xin đông như vậy, các Xơ cho biết lúc trước có mấy Xơ ở Thủ Đức lên đây tập tu, thân cũng có bệnh, lên tập ngồi thiền được khỏe mạnh tới nay nên ai cũng thích. Thầy nói, lên hai mươi người một lượt e không có đủ chỗ để ngồi thiền, Thầy cho mười người lên một đợt, còn mười người kỳ sau, nghĩa là hai mươi người chia làm hai đợt để tập tu.
Như vậy tụi con mới thấy, chúng ta tọa thiền, nói chuyện giải thoát sanh tử thì hơi xa, chuyện gần nhất là nó đem lại sức khỏe rất tốt. Nếu tụi con ngồi đau nhức là có lý do, chớ không phải do ngồi thiền. Có khi chúng ta ngồi rất thoải mái, có khi bực bội, khó chịu. Lý do tại sao tụi con thử nghiên cứu xem.
Cái bồ đoàn rất quan trọng. Tụi con ngồi sao cho xương cùng ở giữa bồ đoàn, còn hai đầu gối phải chấm xuống tọa cụ. Lúc nào tụi con ngồi bồ đoàn cao và lớn, hai đầu gối không chấm xuống thì bữa đó đau. Nếu nghe đau hai bắp đùi, biết là bồ đoàn thấp ngồi bị cấn, phải sửa cao lên. Ngồi sao cho thoải mái, hai đầu gối chấm xuống mới được, còn hai đầu gối trợt ra là sai rồi. Có nhiều đứa ngồi lót đầu gối là bậy lắm. Đầu gối chấm xuống ngồi mới không đau, nếu chêm một đầu gối thì còn hổng một bên, mất quân bình của thế ngồi. Thầy sợ tụi con chêm tùm lum, mấy Xơ lên thấy tưởng làm như vậy đúng, bắt chước theo rồi ngồi thiền sanh bệnh. Ngồi sai nguyên tắc một chút là sanh bệnh.
Ai xài bồ đoàn lớn quá, nó bè ra hai bên, bị cấn dễ đau thần kinh tọa. Bởi vậy Thầy cho kích thước bồ đoàn bao nhiêu nên làm đúng theo, chỉ gia giảm chút thôi. Người nào mập thì rộng thêm một chút, ai chân ngắn bớt chiều cao của bồ đoàn. Phải ngồi cho nó trống chớ không cho bị kẹt, kẹt là bệnh. Có nhiều đứa ngồi không ổn phải không?
- Dạ, phải.
Ngồi không ổn thì tu không ổn, sau dạy người ta tu cũng không ổn luôn. Cho nên ngồi phải có kinh nghiệm, luôn luôn hai đầu gối phải chấm xuống tọa cụ, xương cùng ở giữa bồ đoàn, xương sống phải thẳng, hai vai ngang nhau, như vậy người mới cân bằng và không bị đau.
Khi ngồi nếu ngửa người ra cố giữ cho thăng bằng thì nóng lắm, còn đầu gối chấm xuống, tư thế vững vàng, thoải mái sẽ ít nóng. Tụi con phải ngồi nghiêm chỉnh, không được chêm hay lót cái gì dưới chân. Bàn tay nào thấp thì vai bên đó nghiêng, nên lấy gối nhỏ lót vào bên thấp. Nếu ngồi quá thẳng sẽ đau ngực, nhiều khi nhói tim, lâu ngày thành đau tim. Khi nào nghe tức ngực nên rùn nhẹ người xuống một chút. Đau xương sống là do ngồi bị cong, phải ngồi thẳng lại; còn đau ngực là ngồi quá thẳng. Đau mông vì ngồi ngửa người ra phía sau, phải chỉnh lại cho ngay. Ngồi vừa chừng, thoải mái nhẹ nhàng sẽ được an ổn. Khi xả thiền nhớ xoa bóp cho đều.
Hồi xưa ở Chân Không, Thầy hay nói Thầy cho bác sĩ hưu trí, bởi vì khi nào bị cảm gió hay hơi có bệnh, Thầy ngồi thiền đầu hôm và buổi khuya, sáng khỏe hẳn. Sau này công việc thất thường nên không làm được như vậy. Tuy nhiên, trúng nước trị không nổi chớ trúng gió trị hết ngay. Thầy có gốc bệnh phổi, nếu để bị cảm ho bệnh cũ sẽ trở lại, còn ngồi thiền có sức khỏe, không bị cảm thì hết hẳn bệnh cũ.
Như vậy, khéo ngồi vừa trị bệnh cho mình vừa được thân tâm an ổn. Người ta thích tới với mình vì nghĩ mình ngồi đúng phương pháp, lại trị được bệnh, nên tụi con lôi thôi là không được. Thầy dặn mấy người đi giám thiền, thấy ai kê đầu gối phải lôi ra, sửa lại cho đúng cách. Bởi vì chúng ta tu còn chỉ dạy người khác nữa. Nhiều người đến tập tu, ngồi không hết giờ, xả ra ngồi ngó tụi con. Đứa nào lôi thôi người ta thấy liền, ai ngồi nghiêm chỉnh người ta cũng thấy, và bắt chước theo. Tụi con nếu không khéo, ngồi dở làm cho người ta dở theo, đó là không tốt.
Ngồi thiền nếu không đủ kinh nghiệm dễ sanh bệnh. Còn ngồi đúng cách có thể tự giải quyết các bệnh của mình. Tụi con mang trách nhiệm rất nặng, giống như người dẫn đường, không được dạy sai cho người ta.
Hôm nay Thầy không nói lý thuyết chỉ nói thực hành, tụi con ráng nhớ để ngồi cho đúng.
Ã
Bấy lâu nay các chùa thường nói tu thiền điên, chỉ có bậc thượng căn thượng trí mới tu thiền được. Khi thấy cư sĩ tu thiền nhiều người nhắc: “Coi chừng điên!” Bởi vậy các chùa không dám mời Thầy giảng. Năm nay các trường Hạ mời Thầy nói chuyện. Thầy nghĩ đó là cơ duyên tốt nên phải đi để khơi mào. Chừng năm, bảy năm nữa tụi con ra giảng người ta mới tin tưởng. Nếu bây giờ Thầy im lìm, sau này tụi con ra không có ai dùng. Cho nên thấy Thầy đi giảng nhiều, tụi con phải chuẩn bị tinh thần tu cho giỏi cho hay. Đến khi Thầy nói không nổi thì tới phiên tụi con, Thầy đâu có làm hoài được. Giảng dạy phải có người hướng dẫn trực tiếp, nghe băng đâu bằng. Đó là nói cho tụi con chuẩn bị tinh thần.
Kỳ rồi Thầy đi ba chỗ, kỳ này đi ba chỗ, kỳ sau đi năm chỗ. Chuyến sau là chùa Kim Liên, Giác Nguyên giảng ngày đầu. Ngày thứ hai giảng chùa Phổ Đà, chùa Xá Lợi và Tịnh Xá Trung Tâm. Ba chỗ này là chuyến chót của mùa an cư. Tụi con thấy Thầy già mà ráng làm để gây lòng tin cho Tăng Ni, Phật tử, để biết rằng tu thiền không điên, trái lại có lợi ích thiết thực. Rồi mai kia khi Tăng Ni ở đây đủ điều kiện tốt, có những nơi mời nói chuyện, tụi con nói cho người ta nghe về sự tu hành. Những Phật tử cũng vậy, tới đây tập tu rồi về hướng dẫn huynh đệ. Như vậy Tăng Ni cũng có, cư sĩ cũng có, thì Thiền tông mới mở mang được.
Đó là cơ duyên để Thiền tông phát triển ở Việt Nam. Tụi con phải vừa mừng vừa lo. Mừng là Thiền tông được phát triển, lo là không biết có kham nổi hay không. Ra nói mà người ta bỏ đi hết là khổ!
Kỳ rồi Thầy ra Chân Không, Phật tử yêu cầu Thầy nói chuyện. Thầy nói đề tài là: “Phật giáo nhìn lại thân con người là quí hay tiện?” Trước hết Thầy nói cái tiện. Phật thấy thân này là nhơ nhớp bất tịnh, đau khổ, thấy thân này là vô thường, duyên hợp hư dối. Như vậy nó là quí hay tiện?
- Dạ, tiện.
Còn một mặt khác thấy thân này là quí. Như Phật nói: “thân này mất rồi muốn được thân khác khó như cây sắt trổ bông”, hoặc “nhân thân nan đắc, Phật pháp nan văn”, được thân người là khó, gặp Phật pháp càng khó hơn. Như vậy cái khó được mà được là quí hay tiện?
- Dạ, quí.
Đức Phật dùng thí dụ: Như ngoài biển cả có bộng cây trôi nổi, một con rùa mù ở dưới nước trăm năm mới trồi đầu lên một lần tìm bộng cây, chừng nào gặp được? Thật là khó tưởng tượng! Phật nói mất thân này, được thân sau cũng khó như thế. Như vậy là quí hay tiện? Được nó rồi thì sao? Thực chất thì thân này không quí, nhưng có được thân người là cơ duyên tốt để chúng ta làm những điều hay. Điều hay đó là tu hành làm lợi ích chúng sanh.
Nếu mình không biết sử dụng như vậy thì thân này coi như đồ bỏ, vô giá trị. Sống, ăn, mặc rồi chờ chết thành thây thúi đưa vô nghĩa địa. Bởi vậy, Thầy ví dụ như người đi biển bị chìm thuyền, bơi một hồi mệt quá, bất chợt gặp gốc cây mục. Gốc cây đã mục thì có quí không?
- Dạ, không.
Nhưng khi mình đang sắp chìm, gặp được nó để nương không bị chìm nữa, có quí không?
- Dạ, quí.
Quí là được khúc cây khỏi chết chìm. Nhưng nếu cứ ôm ghì hoài chờ đến khi nó rã ra là khôn hay dại? Vì vậy khi được gốc cây rồi phải vội vã làm gì?
- Dạ, bơi vào bờ.
Nếu xa quá, mình trông chờ có thuyền ghe gần đó làm hiệu cầu cứu, hoặc gần thì ráng bơi vào bờ, thoát chết được tức việc ôm gốc cây là hữu ích. Còn nếu ôm gốc cây chờ nó mục quả thật là ngu si. Thân này cũng như gốc cây mục, đủ thứ nhơ xấu mà cứ gìn giữ, tô điểm, rốt cuộc rồi cũng hoại, đến lúc hoại không ai dám ngó, như vậy có phải khờ dại không? Cho nên được thân rồi phải biết tu để làm lợi ích cho chúng sanh. Nếu biết dùng, thân này là hữu ích quí giá, còn không biết thì thân này chờ tới ngày tan rã, giống như ôm gốc cây mục chờ rã rồi chìm không có nghĩa lý gì.
Như vậy theo cái nhìn của người tu Phật, thân là quí hay tiện? Nếu biết dùng thì nó là quí, không biết dùng nó là đồ bỏ. Ai có thân này mà bo bo giữ, tham lam muốn thụ hưởng cho thỏa mãn mọi vật chất thế gian cho tới ngày nó hoại là khờ dại, không biết vươn lên. Như vậy, được thân này là cơ hội tốt, mình phải cố làm được một cái gì.
Khi chúng ta ôm gốc cây mục bơi vào bờ rồi, còn cần nó nữa không? Lúc ấy bỏ nó lên bờ thong thả. Người tu là như vậy đó. Nên cái nhìn của Phật giáo đầy đủ hai mặt: vô giá trị và hữu ích. Cũng một cái thân này, nhưng biết dùng nó là hữu ích, còn không biết dùng là vô giá trị, chỉ sống rồi chờ chết không có nghĩa lý gì.
Ã
Hôm qua Thầy đặt vấn đề thân này là quí hay tiện, bữa nay Thầy nói về tâm.
Điều thứ nhất: Tâm này vô thường hư huyễn, nhưng mình đủ thẩm quyền làm chủ, hướng nó tốt hay xấu theo ý mình, vậy là dễ hay khó? Cái gì quá sức, ngoài tầm tay của mình mới khó, còn tâm mình có thể chuyển được không khó. Như vậy việc làm chủ tâm này nằm trong tầm tay mình.
Điều thứ hai: Vọng tưởng và không vọng tưởng, cái nào thật? Cái không vọng tưởng là hằng hữu, bỏ không được. Còn vọng tưởng chợt có chợt không, hư dối không thật, bỏ dễ ợt đâu có gì khó! Tụi con xét thật kỹ xem, cái lặng lẽ thênh thang sáng suốt mới là cái hiện tiền không bao giờ bỏ được, không bao giờ vắng thiếu, bảo bỏ cũng không bỏ được. Còn vọng tưởng chợt có chợt không, có gì thật đâu! Cái không thật bảo bỏ nói khó là sao?
Như vậy có hai lý do tu dễ. Lý do thứ nhất là nó trong tầm tay của mình. Ở bất cứ cảnh nào, ai làm gì thì làm, còn theo hay không theo là quyền của mình. Không có người nào dự vào quyền của mình được, dù đó là ông Trời, ông Phật. Như vậy, quyền của mình thì rất dễ, mình có quyền bỏ cái này nhận cái kia.
Thứ hai là có cái thật và cái giả, bỏ cái giả còn cái thật thì hết sức dễ. Thí như đồ giả và đồ thật ở trước mắt, tụi con chọn cái thật bỏ cái giả, dễ ợt không có gì trở ngại. Còn cái thật mà bảo bỏ mới không được. Như vậy tu dễ hay khó? Nếu lý luận như đây thì thật dễ!
Vậy khó là tại cái gì? Khó là vì tập quán muôn đời. Hồi nào tới giờ chấp cái giả quên cái thật của mình, sống với cái giả đã quen nên bỏ không đành, bỏ không được. Nếu mình thức tỉnh, biết cái thật thì bỏ cái giả dễ ợt. Chỉ tại mình quen sống với cái giả, khư khư giữ nó, cũng như trẻ con chơi búp bê, nó là đồ giả mà đi đâu cũng bồng theo, bỏ thì khóc, là tại nó cố chấp, chớ thứ đó là đồ chơi đâu có giá trị gì. Hiểu như vậy mới thấy rằng, bỏ cái giả cay đắng là vì còn thấy thật.
Đúng ra, cái sẵn có mà bắt tụi con bỏ mới khó. Như khi tụi con nằm ngủ có tiếng vẫn nghe, ai làm cái “rầm” thức dậy liền, vì cái đó có sẵn ở lỗ tai. Khi có ai đi cũng biết, mở đèn thì thấy… Cái đó sẵn như vậy, kêu bỏ không bỏ được. Còn cái suy nghĩ lăng xăng, tính toán, tưởng như thật nhưng là đồ giả. Nếu nó thật thì lúc nào cũng vậy, đằng này vọng tưởng khi vầy khi khác, chợt có chợt không, rõ ràng là không thật. Cái thật lúc nào cũng có, đó là cái mình giữ, còn cái giả bỏ đi.
Vọng tưởng là hư dối, tụi con can đảm bỏ không? Đừng sợ, đừng buồn, đừng tiếc vì mấy cái đó không thật có. Biết nó là đồ giả dối chỉ cười thôi. Đừng sợ nó rồi trợn mắt bặm môi cự lại. Cũng đừng tiếc, nhiều khi có mấy cái hay hay hôm qua nghĩ không ra, giờ mới nghĩ ra bỏ không đành. Hoặc thấy điều gì vui vui, bỏ cũng uổng, như ngồi thiền ở đây nhớ bên Pháp thấy vui bỏ không đành. Nghĩ phàm buồn quá thì nghĩ Thánh cho vui nên bị xáo trộn hoài. Tụi con phải nhớ: không tiếc, không sợ, không buồn. Được ba điều này tu sẽ thành công. Tụi con có một trong ba bệnh đó không?
- Dạ, có.
Vậy tụi con phải nhớ, khi ngồi thiền vọng khởi liền buông, đừng tiếc, đừng sợ, đừng buồn, rầy nó thì trị được ngay. Hồi xưa, Thầy nghĩ nó thuộc về tâm lý nên khó, nhưng nay Thầy thấy khác. Bây giờ Thầy chỉ cho tụi con cái hằng thấy hằng nghe của mình, muốn bỏ cũng không bỏ được. Dù mình nhắm mắt mà mở đèn vẫn cảm thấy, bịt tai có tiếng động vẫn nghe. Đó là cái không bỏ được. Bỏ không được thì mang nó đi, còn cái nào bỏ được thì bỏ.
Tôn giả Nghiêm Dương là đệ tử Triệu Châu, một hôm thưa hỏi:
- Một vật chẳng đem đến thì thế nào?
Triệu Châu bảo:
- Buông xuống đi!
Sư thưa:
- Đã là một vật chẳng đem đến, buông cái gì?
Triệu Châu bảo:
- Buông chẳng được thì nên gánh đi.
Tụi con thấy cái gì buông được thì buông, còn
cái không buông được thì gánh đi. Buông bỏ cái tạp nhạp, lộn xộn, giả dối để được cái ròng rặt chân thật, hằng có hiện tiền. Vậy mà không làm là mê cỡ nào? Bởi vậy, Phật nói chúng sanh mê muội, nói hoài không chịu bỏ.
cái không buông được thì gánh đi. Buông bỏ cái tạp nhạp, lộn xộn, giả dối để được cái ròng rặt chân thật, hằng có hiện tiền. Vậy mà không làm là mê cỡ nào? Bởi vậy, Phật nói chúng sanh mê muội, nói hoài không chịu bỏ.
- Dạ, bỏ một lát rồi quên!
Như ở trong chúng, nếu tụi con bỏ được cái lăng xăng lộn xộn đó, cả ngày còn gì buồn không? Đi tới đi lui tỉnh táo cười hoài. Bảo cuốc cỏ thì cuốc cỏ, bảo cuốc đất thì cuốc đất, không có một niệm nào xen vào, đâu còn buồn phiền trách cứ gì ai. Chỉ vì mấy cái lăng xăng, rối loạn đó mà người này phiền giận người kia. Tụi con bỏ hết mấy thứ đó thì cảnh Niết-bàn tại đây, nếu không bỏ dù đây là cảnh tiên cũng thành phàm.
Vậy phàm tục hay Niết-bàn là do chúng ta tự chọn chớ không phải Phật cho, rõ ràng như vậy. Tụi con đủ thẩm quyền, cái nào biết không thật thì bỏ. Bỏ hết các thứ lăng xăng thì cái chân thật hiện tiền, sống trọn vẹn với nó là Niết-bàn. Điều này không có gì khó khăn cũng không gì lạ lùng, nó rất thực tế.
Ví như khi tụi con đang buồn, huynh đệ lại hỏi liền trả lời: “Tôi buồn quá!” Khi nào tụi con thấy hứng thú, có huynh đệ hỏi, trả lời: “Tôi vui quá!” Như vậy câu trả lời có đúng không?
Ai cũng ngỡ rằng vui buồn là mình. Như vậy mình là gì? Mình là vọng tưởng, phải không? Vì buồn vui thuộc về vọng tưởng. Đang buồn có ai đem tin vui lại liền hết buồn. Đang vui có chuyện buồn đến lập tức hết vui. Như vậy vui buồn là vọng tưởng theo duyên. Nói “tôi buồn”, “tôi vui” tức tụi con nhận vọng tưởng là mình. Nếu vọng tưởng là mình thì mình là thứ hư dối lộn xộn. Vô lý quá! Buồn vui là hiện trạng không thật, đổi thay theo cảnh duyên, còn mình từ thủy đến chung nào có đổi thay. Tâm chân thật không đổi thay, đổi thay là tâm vọng tưởng.
Như vậy nhận mình buồn, vui tức là nhận vọng tưởng làm mình. Tu mà nhận vọng tưởng làm mình thì uổng công tu. Thầy nói lẽ thật cho tụi con biết, cứ nắm lấy vọng tưởng làm sao nhận nơi mình có cái thật? Nhận vọng tưởng là mình thì chạy theo nó tạo nghiệp, khi nhắm mắt nó dẫn đi trong luân hồi lục đạo. Nếu sửa soạn ra đi, lỡ có niệm sân dấy lên liền rơi vào ngạ quỉ... Cái tụi con đang chấp cho là mình đó, chính là gốc dẫn đi trong sanh tử luân hồi.
Bởi vậy khi nào buồn có ai hỏi, nên trả lời: “tôi có những vọng tưởng buồn”. Có vọng tưởng buồn chớ không phải tôi buồn. Nếu vui, có ai hỏi sao vui vậy, nên nói: “bữa nay có vọng tưởng vui”. Như vậy đuổi vọng tưởng mới được. Cứ nhận vọng tưởng là mình làm sao đuổi được! Sự tu rất tế nhị, khi nào biết được cái thật thì không bị nghiệp lôi. Vọng tưởng là cái tạo nghiệp, hễ theo nó liền bị nghiệp dẫn. Phải biết rõ nó là vọng tưởng, đừng theo.
Bây giờ giả sử ai nói mình “chị ngu như bò”, giận không? Thầy nói hoài, họ nói mình ngu như bò mà mình có thành bò đâu. Có thành bò không?
- Dạ, không.
Mình vẫn tỉnh sáng bình thường. Nói “như bò” là tiếng nói bên ngoài, nó giả không thật, mình vẫn là mình. Khi người ta nói mình ngu như bò thì cười chơi: “Tôi có thành bò bao giờ!” Rồi thôi. Còn nghe “ngu như bò” liền nổi sân muốn đấm đá người ta, vậy là thành bò chưa? Người ta nói bò thì mình thành bò, người ta nói chó mình thành chó cắn người ta. Bây giờ tụi con nếu là người sáng người tỉnh, người ta nói mình ngu như bò chỉ cười là xong, có thành bò đâu! Không giận hờn gì hết thì có chuyện gì xảy ra với tụi con không? Người tu là như vậy, không cố chấp.
Giả sử có người nói: “Tôi cho chị ăn bánh xèo, ăn bánh ít, đủ thứ bánh.” Nghe nói như vậy tụi con cười hay là mang ơn? Chỉ cười, vì họ nói dóc đâu có đưa bánh cho mình ăn. Người ta nói mình con chó, mình đâu phải thành chó. Tại sao họ nói cho mình ăn, biết đó là giả cười, còn nói con chó lại giận? Nói con chó hay nói cho bánh, cả hai đều là lời rỗng. Tại sao cái kia mình cười không chấp, biết là nói gạt nói dối, còn bảo con chó lại cho là nói thật? Cứ vậy mà thiên hạ giận nhau đùng đùng, gây sự đủ thứ. Khổ đau tại cái gì? Tại si mê. Bởi vậy tụi con ráng đừng si mê nữa. Đừng chấp vọng tưởng là mình, đừng chấp những lời nói giả dối là thật thì hết khổ.
Tụi con phải luôn nhớ vọng tưởng không thật. Nó là cái bóng qua rồi mất, nhận nó là mình nên tạo nghiệp luân hồi đau khổ. Nếu không nhận nó là mình thì nó khởi bao nhiêu cứ khởi, mình vẫn ngồi an nhiên biết rõ từng tên một không lầm. Thấy nó chạy chơi như thấy mấy con chó chạy rong mà mình không phải là chó, còn nếu thấy chó là mình tức quá ngu rồi, phải không?
Vọng tưởng chợt qua chợt lại rồi mất, đâu còn hoài mà nhận là mình. Từ hồi cha mẹ sanh đến ngày nhắm mắt, mình đâu từng mất, đâu từng thiếu. Không phút giây nào thiếu, tại sao lại quên mình mà nhận vọng tưởng? Thường xét kỹ như vậy, mới hiểu tại sao nói ngồi tu phải biết vọng tưởng không theo. Đó là chỉ mặt cho biết nó là cái bên ngoài, không phải thật mình.
Nếu tụi con biết nó là vọng tưởng, lúc đó ai biết? Là mình biết. Vậy vọng tưởng là cái bị biết. Như nhìn thấy cây tùng thì cây tùng đâu phải là mình. Cũng vậy, chúng ta biết vọng tưởng thì vọng tưởng không phải là chúng ta. Tại sao cứ nhận vọng tưởng là mình rồi khổ. Chỉ có bao nhiêu đó dạy hoài mà không tỉnh, giờ tỉnh chưa?
- Dạ, tỉnh.
Nếu tụi con tỉnh sẽ có hai điều hay:
Điều thứ nhất: Ví như tụi con đau chân, lúc đó là “mình đau” hay “cái chân đau”?
- Dạ, chân đau.
Vậy mà ai cũng nói “tôi đau”. Khi chúng ta biết chân đau là có Ông chủ biết, chân là cái bị mình biết. Cho nên trong cái đau có cái không đau. Cái biết đau không hề đau. Cái chân này đau nên mình biết đau chớ không phải mình đau. Hiểu vậy rồi tụi con sẽ không bị đồng hóa với thân xác thịt này. Tất cả các vui buồn khác cũng vậy. Thấy rõ và không bị đồng hóa với những vọng tưởng vui buồn thì không còn khổ.
Điều thứ hai: Chúng ta không bị đồng hóa với thân này thì khi nhắm mắt mình không bị đau đớn khổ sở, chỉ cười: “Ờ, cho mày muốn làm gì thì làm, cuối cùng mày hoại chớ ta có hoại đâu mà sợ.” Còn nếu thấy thân này là mình, lúc chết thân nát có phải mình nát theo không? Nếu nát theo, chết rồi hết, vậy là tụi con duy vật rồi.
Cho nên biết thân này là hiện tượng duyên hợp hư giả, nó hợp rồi tan, còn cái thật của mình không mất. Chết rồi thân này rã chớ tinh thần không rã. Nếu theo nghiệp tức đi trong luân hồi lục đạo, không theo nghiệp là chấm dứt luân hồi. Theo nghiệp gốc từ chấp vọng tưởng, nên nỗ lực tu là để dẹp vọng tưởng. Vọng tưởng hết tức không còn trầm luân sanh tử, gọi là giải thoát.
Ã
Hôm nay Thầy kể lại cho tụi con nhớ thật sâu câu chuyện này. Đây cũng là đường lối tu của mình.
Thiền sư Duyên Quán tông Tào Động, một hôm ông Tri viên tới hỏi:
- Bạch Hoà thượng khi giặc nhà khó giữ phải làm sao?
Ngài Duyên Quán nói:
- Biết nó thì không phải oan gia.
- Sau khi biết được thì sao?
- Đày nó đến nước vô sanh.
- Nước vô sanh đâu không phải chỗ an thân lập mạng?
- Nước chết không chứa được rồng.
- Thế nào là nước sống chứa rồng?
- Dậy mòi chẳng thành sóng.
- Chợt khi đầm nghiêng núi đổ thì sao?
Ngài Duyên Quán từ trên tòa bước xuống nắm đứng lại, nói:
- Chớ nói ướt góc ca-sa của Lão tăng.
Bây giờ Thầy giải thích từng đoạn cho tụi con nhớ.
Thầy Tri viên hỏi: “Giặc nhà khó giữ phải làm sao?” Giặc nhà là gì?
- Dạ, là vọng tưởng.
Ai cũng có vọng tưởng lăng xăng, nó cứ chạy lung tung, phá phách mình kềm không nổi, gọi là giặc nhà.
Thầy Tri viên hỏi: “Giặc nhà khó giữ phải làm sao?” Ngài Duyên Quán đáp: “Biết nó thì không phải oan gia.”
Vọng tưởng dấy lên mình biết không theo thì nó không hại mình được. Oan gia là kẻ thù hại mình. Nếu không theo thì nó không làm gì được mình. Không nắm vững chỗ này không biết đường tu. Như vậy, khi nào giặc nổi loạn bên trong, biết nó là vọng tưởng, vọng tự nhiên hết, giống như tụi con tu hiện giờ vậy. Nó không hại tụi con thì không phải là oan gia.
Hỏi: “Sau khi biết được thì sao?” Ngài trả lời: “Đày nó đến nước vô sanh.”
Tức là biết vọng không theo thì nó dừng, dừng rồi lặng, hoàn toàn yên lặng. Đó là “đến nước vô sanh”. Tụi con đày nó tới đó chưa?
- Dạ, chưa.
Tại sao còn thương không chịu đày nó đi? Như vậy đi theo thứ tự, mới đầu biết nó, nó quậy phá mình không theo. Bây giờ, biết nó rồi làm sao nữa? - Phải đẩy nó tới chỗ yên lặng, là nước vô sanh. Tới chỗ yên lặng hoàn toàn rồi làm sao nữa?
Ông Tri viên hỏi tiếp: “Nước vô sanh đâu không phải chỗ an thân lập mạng?” Tức là chỗ đó phải là chỗ cứu kính, tột cùng chưa? Ngài trả lời: “Nước chết không chứa được rồng.”
Nghĩa là khi chúng ta lặng hết vọng tưởng, ngỡ đó là chỗ cuối cùng, ai dè là nước chết. Tại sao vậy? Vì vọng tưởng lặng hết mà chưa nhận ra Ông chủ nên nói “nước chết không chứa được rồng”. Đó không phải là chỗ an thân lập mạng. Tụi con tới nước chết chưa? Nước chết còn chưa tới, huống nữa là chứa rồng.
Hỏi: “Thế nào là nước sống chứa rồng?” Ngài trả lời: “Dậy mòi mà chẳng thành sóng.”
Nghĩa là nó gợn gợn mà không thành sóng. Khi tụi con biết rồi, vọng tưởng lặng, mình thường có cái biết rõ ràng. Biết rõ ràng nhưng không khởi niệm, đó là dậy mòi mà không thành sóng. Chỉ ra như vậy là đáo để rồi. Nghĩa là, tâm lặng lẽ là chỗ nước chết, còn cái biết được cái lặng đó, là tâm thật của mình. Cái tâm đó hằng tri hằng giác chớ đâu phải vô tri mà nói “nước chết không chứa được rồng”. Tụi con thấy nói quá hay: “Dậy mòi mà chẳng thành sóng.”
Ông Tri viên hỏi: “Chợt khi đầm nghiêng núi đổ thì sao?”
Nghĩa là khi mọi sự tan vỡ hết thì thế nào? Ngài từ giường thiền bước xuống nắm đứng lại nói: “Chớ nói ướt góc ca-sa Lão tăng.” Dù cho trời đất có nghiêng đổ ta vẫn hoàn toàn tự tại. Hay chưa? Bao nhiêu đó tụi con nhớ mà tu.
Đường lối tu rõ ràng như vậy, nhưng thoạt nghe thấy khó hiểu. Hiểu rồi mới thấy giá trị câu chuyện, nắm vững như vậy tu mới không bị lầm lạc. Rất tiếc là nhiều người tu chưa tới nên không thấy chỗ thâm thúy này. Tụi con tới chưa? Tới nước chết là khá lắm rồi đó. Hàng Nhị thừa hay thích chỗ tâm định, định là chỗ nước chết. Nhị thừa kẹt chỗ Niết-bàn vô sanh, chớ chưa nhận ra được Ông chủ của mình. Thôi, bao nhiêu đó đủ cho tụi con tu ba năm rồi.
Ã
Trong kinh Pháp Hoa có đoạn kể Bồ-tát Thường Bất Khinh gặp ai cũng cung kính chấp tay nói: “Tôi chẳng dám khinh các ngài vì các ngài đều sẽ thành Phật.”
Câu nói này đối với người biết tu thì thấy hữu lý, khích lệ, còn đối với người không biết tu, họ cho là nói bậy nên mắng chửi đánh đập. Cũng vậy, người biết đạo nghe tụi con nói: “người nào cũng có Phật tánh”, họ rất vui. Trái lại, người không biết đạo nghe rồi xầm xì, lúc ấy tụi con còn muốn nói nữa không? Chắc là cụt hứng. Nhưng với Bồ-tát Thường Bất Khinh thì khác. Ai đối xử sao Ngài cũng bằng lòng, chửi cũng được, đánh cũng được, ở gần sợ bị đánh nên chạy ra xa rồi cũng nói câu đó. Như vậy, câu nói đó có ý nghĩa sâu đậm đến mức nào mà Ngài cố gắng tối đa để nhắc nhở mọi người?
Đây nói lên tầm vóc quan trọng của lòng từ bi. Tất cả chúng sanh mê muội, thấy thân xác này là thật mình, cái suy nghĩ lăng xăng là tâm mình, không biết nơi mình có sẵn tánh Phật. Vì mê nên quên. Bây giờ chúng ta biết lại không nói cho họ thì tội, nên bằng mọi giá phải nói cho họ biết. Người ta nghe rồi mà không tin theo là quyền của người ta, còn mình không nói cho họ biết là mình không làm tròn bổn phận.
Cũng như Thầy thường thí dụ, chúng ta được cha mẹ chia cho châu báu, mình cất rồi biết chỗ đào lên lấy; còn anh em chúng ta người nào cũng có mà họ lại không biết. Nên chúng ta phải ráng chỉ cho họ biết, chịu đào tìm hay không là chuyện của họ. Còn phần mình nếu biết mà không chỉ thì chưa tròn bổn phận, là bỏn sẻn. Vì vậy nên dù người ta chê bai, chửi bới, hành hạ gì Bồ-tát Thường Bất Khinh cũng phải nói, còn tin hay không là quyền của người ta.
Như vậy có cực đoan không? Mới nghe như cực đoan, người ta không chịu nghe pháp mà cũng ráng nói. Thật ra, đây không phải nói pháp mà nói lẽ thật, chỉ cái có sẵn mà mọi người không biết. Trong tụi con, có đứa nghe nói tánh Phật còn không tin, huống nữa là người đời. Tụi con tin hết chưa?
- Dạ, tin.
- Tin nhẹ quá nên Thầy nói hoài, khan tiếng khô cổ vẫn cứ phải nói, chừng nào tin sâu mới thôi. Mình biết là có mà không nói là ích kỷ. Tụi con thấy trong kinh Pháp Hoa, Phật nói rất là chí thiết, nếu Ngài nói pháp Thanh văn cho các vị A-la-hán tu tới đó cho là viên mãn thì coi như Ngài bị lỗi keo kiệt, vì có cái quí hơn mà không chịu chỉ. Nên cũng trong kinh này, đức Phật nói trắng ra cho chúng ta biết mỗi người đều có hạt minh châu vô giá, phải tự tìm nhận ra. Như thế Ngài mới tròn bổn phận.
Tinh thần của người tu là biết cái gì hay phải đem nói cho mọi người cùng biết. Như vậy không có nghĩa là mình muốn làm thầy thiên hạ. Chỉ vì muốn cho mọi người cùng biết điều hay đó như mình để họ trở lại sống với cái thật. Cả thế gian này có mấy người biết mình có Tánh chân thật? Chỉ có một nhóm người thôi. Người đời tối ngày cứ lo cho thân và lo tranh đấu bảo vệ những suy nghĩ của mình, sao cho thắng được người. Vì mãi lo tranh đấu, bảo vệ cái hư dối nên không hề biết mình có cái thật. Thật là đáng thương!
Chư Phật, chư Tổ dạy chúng ta phải mồi đèn nối lửa, nghĩa là tự mình thắp sáng trí tuệ và đem truyền cho mọi người. Bây giờ Thầy rao, Thầy nói cho mọi người biết, tới tụi con cũng ráng la lên cho người ta nghe. Nhưng trước khi nói cho người ta, chính mình phải biết chắc chắn không nghi ngờ. Bởi vậy lúc này là thời gian tụi con ngồi tìm cho ra, thấy cho rõ. Chừng nào tìm ra và thấy rõ rồi, cười lên được mới nói cho người ta nghe. Đó là bổn phận của tụi con. Ở đây Thầy tạo điều kiện cho tụi con làm được việc đó.
0 comments:
Post a Comment