Monday, December 17, 2012

Thế giới bàng hoàng trước vụ thảm sát học đường ớn lạnh ở Mỹ




Hình ảnh Tổng thống Barack Obama đẫm nước mắt khi phát biểu về vụ thảm sát xảy ra tại trường tiểu học ở Connecticut đã thực sự gây rúng động toàn thế giới. Nhiều người bày tỏ hy vọng vụ thảm sát ngày hôm qua sẽ khiến Mỹ thắt chặt luật kiểm soát vũ khí.

Sốc và cảm thông là những phản ứng đầu tiên của các nhà lãnh đạo cũng như người dân trên khắp thế giới trước vụ thảm sát kinh hoàng ở nước Mỹ ngày hôm qua (14/12). Vụ thảm sát này đã cướp đi sinh mạng của 28 người, trong đó có 20 trẻ em tuổi từ 5 đến 10. Sau cảm giác bàng hoàng, rúng động và đau xót, người ta bắt đầu đặt ra những câu hỏi về tình trạng tiếp cận dễ dàng đối với súng ống, vũ khí ở nước Mỹ.

Ông Jose Manuel Barroso, Chủ tịch Ủy ban điều hành của Liên minh Châu Âu (EU) giọng đầy đau buồn phát biểu: “Cuộc đời tràn đầy hy vọng của các em đã bị phá hủy. Thay mặt Ủy ban Châu Âu và nhân danh cá nhân, tôi muốn gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình các nạn nhân của thảm kịch khủng khiếp này”.

Thủ tướng Anh David Cameron cho biết, ông “cảm thấy đau buồn đến tận tâm can” khi biết tin về “vụ thảm sát khủng khiếp”.

"Tôi xin chia sẻ với những nạn nhân bị thương và những người vừa mất đi người thân yêu của mình. Thật là đau lòng khi nghĩ đến những người bị cướp mất những đứa con bé nhỏ của họ. Những em bé đó đang còn cuộc đời rất dài phía trước”, ông Cameron phát biểu.

Nữ hoàng Anh Elizabeth II cũng đã gửi điện chia buồn đến Tổng thống Barack Obama. Nữ hoàng cho biết, bà vô cùng sốc trước tin về vụ thảm sát.

Giáo hoàng Benedict XVI cũng đã “gửi lời chia buồn sâu sắc” tới gia đình các nạn nhân ở Mỹ. Giáo hoàng đã “cầu nguyện cho các nạn nhân, gia đình của họ và tất cả những người bị ảnh hưởng trong sự kiện gây chấn động đó”, Vatican cho biết.

Tổng thống Pháp Francois Hollande cho biết trong một bức thư ngỏ gửi Tổng thống Obama rằng, ông thấy “ghê sợ” trước vụ thảm sát trong khi Nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin miêu tả vụ thảm sát là một sự kiện “đặc biệt bi thương” bởi hầu hết nạn nhân đều là trẻ em.

Về phần mình, Thủ tướng Australia Julia Gillard đã miêu tả vụ thảm sát là “một hành động của quỷ dữ, vô nhân tính và không thể hiểu được”. "Giống như Tổng thống Obama và những người dân Mỹ khác, trái tim của chúng tôi cũng tan vỡ”, nữ Thủ tướng Gillard cho biết trong một tuyên bố.

Vấn để kiểm soát súng ở Mỹ

Tuy nhiên, giữa những lời chia sẻ, cảm thông, người đã bắt đầu xoáy sâu vào vấn đề kiểm soát vũ khí ở Mỹ. Ở Châu Á và Châu Âu cũng xảy ra các vụ thảm sát nhưng ít nhất, ở những nơi này, việc tiếp cận súng bị hạn chế một cách nghiêm ngặt.

Sau vụ thảm sát học đường ngày hôm qua ở Mỹ, nhiều người Anh đã nghĩ ngay đến vụ Dunblane – một vụ thảm sát xảy ra năm 1996 ở một thành phố nhỏ của nước Anh, khiến 16 em nhỏ thiệt mạng. Vụ việc này đã làm dấy lên một chiến dịch mà cuối cùng dẫn đến các quy định kiểm soát vũ khí chặt chẽ hơn ở Anh. Theo đó, việc mua hay sở hữu súng là bất hợp pháp ở Anh.

"Đây là vụ Dunblane của Mỹ", một người Anh làm người dẫn chương trình cho CNN - Piers Morgan đã viết như vậy trên trang Twitter. "Chúng tôi đã cấm sử dụng súng ngắn ở Anh sau thảm kịch kinh hoàng đó. Vậy Mỹ sẽ làm gì? Ngồi yên không phải là một giải pháp".

Australia cũng từng đối mặt với một thảm kịch tương tự năm 1996 khi một kẻ sát nhân xả súng điên cuồng ở bang phía bắc Tasmania, giết chết 35 người. Vụ thảm sát này đã gây phẫn nộ trên toàn đất nước và buộc chính phủ phải nhanh chóng thực thi luật mới về kiếm soát vũ khí, trong đó có lệnh cấm sử dụng những khẩu súng trường bán tự động.

Vụ thảm sát ở Mỹ ngày hôm qua cũng nhanh chóng trở thành đề tài nóng bỏng ở Trung Quốc. Nó được đưa lên những topic hàng đầu trên các trang mạng xã hội và trở thành thông tin được đăng tải đầu tiên trên bản tin buổi trưa của đài truyền hình trung ương Trung Quốc.

Trung Quốc gần đây cũng liên tiếp phải chứng kiến những vụ tấn công trường học mặc dù kẻ tấn công thường sử dụng dao chứ không phải súng. Vụ mới nhất cũng xảy ra trong ngày hôm qua khi một kẻ cầm dao tấn công và làm bị thương 22 em nhỏ ở một trường tiểu học ở miền trung Trung Quốc.

Sau những lời chia buồn và chia sẻ nỗi đau với người Mỹ, nhiều người Trung Quốc cũng đã lên tiếng về vấn đề kiểm soát súng tại cường quốc số một thế giới. Hiện đang có 100.000 người Trung Quốc theo học tại các trường ở Mỹ. "Các bậc phụ huynh có con em học ở Mỹ chắc chắn phải rất lo lắng và căng thẳng. Những vụ thảm sát học đường thường xuyên xảy ra ở Mỹ. Các chính khách chẳng nhẽ không thể gạt bỏ các vấn đề chính trị để cấm bán vũ khí?. Luôn có những kẻ tâm thần bất ổn trong số chúng ta và họ không nên có súng trong tay”, Zhang Xin - một nhà đầu tư địa ốc giàu có ở Trung Quốc đã viết như vậy trên trang mạng xã hội Sina Weibo.

Ở Ấn Độ, bà Kiran Bedi – một nữ cảnh sát nghỉ hưu và giờ là một nhà hoạt động chống tham nhũng năng nổ, nhận định: “Vũ khí trong tay những kẻ bất cân bằng là mối đe dọa an ninh. Súng và thậm chí là cả bằng lái xe cũng cần phải được sự quan tâm đúng mức”.

Người dân Hàn Quốc cũng đổ lỗi cho việc thiếu sự kiểm soát về vấn đề vũ khí là nguyên nhân gây ra thảm kịch đau lòng ngày hôm qua ở Mỹ. Tờ Chosun Ilbo của Hàn Quốc cho rằng, vụ thảm sát ngày hôm qua chắc chắn sẽ buộc chính phủ Mỹ phải thắt chặt sự kiểm soát đối với vũ khí ở nước này.

Kiệt Linh - (theo Reuters, AP)
Việt Báo (Theo_VnMedia)

0 comments:

Post a Comment