Wednesday, December 5, 2012

Khi Hộ Niệm Phải Chìu Theo Ý Người Bệnh

Khi Hộ Niệm Phải Chìu Theo Ý Người Bệnh
Khi hộ niệm chúng ta cố gắng phải nghiên cứu cho thật kỹ quy cách hộ niệm. Rất nhiều người không chịu nghiên cứu, cứ thấy rằng ngồi bên cạnh người bệnh niệm Phật, cứ niệm “A-Di-Đà Phật… A-Di-Đà Phật”… Rồi vỗ tay mấy cái vui vui, tưởng vậy là đơn giản! Thật ra, có khá nhiều sự sơ hở làm cho người bệnh không thể tiếp nhận, không thực hiện được Tín-Nguyện-Hạnh. Không thực hiện được ba tư lương này, thì người ta không được vãng sanh. Mỗi ngày chúng ta cố gắng khai thác một chút, mong cho mọi người sau một thời gian sẽ nắm vững vấn đề.
Ngày hôm qua, trong lúc đang bàn chuyện hộ niệm ở phòng bên kia, chúng ta có khuyến cáo rằng khi hộ niệm cần phải cố gắng làm sao người bệnh vui vẻ. Mình ráng cố gắng chìu người bệnh để cho họ vui vẻ ra đi. Nếu mình không có chìu theo ý của họ, làm cho họ phiền não thì không thể vãng sanh. Ví dụ như Mẹ của chúng ta muốn tới cái nhà này để niệm Phật, mình lại thấy căn nhà này không thích hợp, nên cứ bắt người Mẹ mình tới ở nhà kia, nhưng nơi đó Mẹ mình lại không thích. Làm vậy phải chăng, khi hộ niệm mình đã bắt người bệnh phải chìu theo ý muốn của mình? Làm vậy khiến cho người bệnh phiền não! Một khi họ phiền não thì chắc chắn không cách nào có thể vãng sanh được!
Do đó phải nhớ điều này, nhiều khi mình thấy người bệnh thích một chuyện gì đó, dù không được thuận lợi lắm, nhưng trước tiên ta cần phải cố gắng chìu người bệnh trước đã. Ví dụ, như trước những ngày sắp chết, người bệnh lại đòi vào bệnh viện, họ muốn bác sĩ khám họ thử như thế nào? Mình biết đây là cái tâm thoái hóa của người bệnh, nhưng một khi người bệnh đã quyết đòi như vậy, mà mình lại ép buộc người bệnh phải ở nhà, thì chắc chắn từ lúc đó cho đến khi chết không cách nào mà họ yên tâm niệm Phật được!
Vì thế, khi gặp trường hợp này, việc đầu tiên là nên đưa người bệnh vô trong bệnh viện trước đã. Đây có thể là do sau một thời gian niệm Phật người bệnh bị thối tâm, người ta sợ chết hay sao đó?… Tại sao mình không đưa họ vào trong bệnh viện, rồi nhờ bác sĩ khuyên người bệnh vài câu. Ví dụ, Bác sĩ nói:
- Anh ơi! Chư vị ơi! Cái bệnh này chúng tôi chữa không được nữa rồi. Cho nên ở lại cũng chết, về nhà cũng chết.
Người bệnh nghe được bác sĩ nói một câu như vậy, thì chính đây là lời khai thị rất tốt cho người bệnh, nhờ vậy mà họ an tâm về nhà lo niệm Phật vãng sanh.
Có một lần chính đứa em của Diệu Âm muốn Cha Mẹ của Diệu Âm vào trong Sài-Gòn để niệm Phật, vì nhà ở thành phố thì có máy lạnh, thoải mái hơn, mà lúc đó Ông già Bà già thì thích ở tại quê. Nó khuyên không được, nên mới lập mưu như thế này… Nó mướn một chiếc xe Taxi từ Sài-Gòn đi về tới Bình-Định. Về tới nhà, trước tiên đem bánh trái dọn ra ăn uống cho ngon lành, rồi sau đó mới dụ Cha Mẹ đi xuống Qui-Nhơn chơi, xuống Qui-Nhơn để thăm biển chơi cho vui! Ông bà nghe nói đi Quy Nhơn thì bằng lòng đi.
Khi Ông già Bà già leo lên xe xong rồi, nó chở tuốt vô Sài-Gòn luôn. Tức là lúc đó đã leo lên xe… Ông già Bà già đã yếu rồi, đâu còn cách gì cưỡng lại được nữa! Khi Diệu Âm về nghe tin như vậy… Bên cạnh thì Ông Bà già cứ đòi về lại quê. Diệu Âm kêu đứa em ra la rầy:
- Em làm như vậy không được! Kỳ này nếu anh không về, mà Ông già chết thì chắc chắn không cách nào vãng sanh được!
Do vậy, sau khi tẩm bổ cho Ông già khỏe lại một chút, lại tìm cách đưa Ông về Bình-Định. Khi về lại Bình-Định thì lúc đó trời nóng quá chịu không nổi! Ông về đến đó thì muốn xỉu liền. Vì thấy nắng chịu không nổi, nên Ông giật mình! Ở tại quê không có máy lạnh! Thế thì, lại tìm cách, nhờ chị Nhung ở từ Bình-Phước đem xe ra ngoài Bình-Định đưa Ông vô lại trong Sài-Gòn. Lúc đó Ông ta mới an tâm niệm Phật!…
Thường khi mình phải chìu người bệnh, chứ không thể nào bắt người bệnh phải chìu chúng ta. Có nhiều người quá sơ ý trong phương pháp hộ niệm vãng sanh, không chịu nghiên cứu kỹ, cứ nghĩ sao làm vậy, vô ý tạo ra nhiều phiền não cho người bệnh. Một khi người bệnh phiền não rồi thì thôi chịu thua! Cứu không được!
Ví dụ như trong bữa nói chuyện hôm qua, sau khi nghe đến vấn đề này, bà Cụ đưa ra một cái câu giải quyết rất là hay. Bà nói:
- Mình quyết lòng niệm Phật đi về Tây Phương rồi, thì thôi ở nhà nào cũng được, tới chỗ nào cũng được, không cần chấp nữa.
Chính đây là câu giải quyết rất hay. Mình biết rõ rệt là con cái mình sau này có thể đưa mình tới chỗ này, đưa mình tới chỗ kia. Nhiều khi con cái biết tu nó đưa mình tới chỗ rất là tốt, nhưng vì chấp mình muốn trở lại cái chỗ của mình. Vì cái chấp của mình mà làm cho chính mình bị trở ngại, từ đó mà mình có thể mất phần vãng sanh. Cho nên bà Cụ nói rất là hay:
- Đừng có chấp nữa… Nhất định bây giờ con nó muốn đi vô Sài-Gòn, thì ta đi vô Sài-Gòn, con nó muốn đi về quê ta đi về quê.
Thoải mái như vậy thì tự nhiên người hộ niệm chúng ta cũng thoải mái, tới bất cứ chỗ nào ta cũng niệm Phật được.
Vậy thì, là một người hộ niệm, chúng ta phải nhớ cố gắng uyển chuyển đừng nên gây phiền não cho người bệnh. Nếu ta là người bệnh, ta cũng phải tập cái tánh gọi là không chấp. Một người tới niệm lớn quá, điều này không đúng phương pháp hộ niệm, ta biết như vậy rồi nhưng lỡ có một người nào tới niệm lớn quá thì ta cũng đừng có giận. Nếu mà hàng ngày thấy người ta niệm lớn quá mà mình giận, thì lúc đó có nhiều người niệm lớn mình sẽ nổi giận lên! Đây là do “Chấp” mà tự mình làm mất phần vãnh sanh. Tất cả những đạo lý này không có gì là cao siêu cả, nó cụ thể vô cùng.
Ví dụ như ở nhà mình có một người bệnh. Nên nhớ, người bệnh thường thường cảm thấy khó chịu dữ lắm, tại vì đau lưng, vì nhức đầu, vì mệt mỏi… Điều quan trọng là ta nên cố gắng làm cho người đó vui lên. Yểm trợ tinh thần họ, củng cố tinh thần họ. Đây là hộ niệm.
Ví dụ khác, như người bệnh niệm Phật không nổi, mình khuyên hoài mà họ cũng không chịu niệm Phật, thì mình hãy làm gương, mình niệm Phật trước. Mình niệm Phật ngày niệm Phật đêm, và nói:
- Má ơi! Con còn trẻ nè mà con còn niệm Phật như thế này, Má không niệm Phật làm sao Má vượt qua cái ách nạn đây?
Mình làm gương trước, rồi chính sự niệm Phật của mình sẽ có công đức. Nhờ có công đức đó mới hồi hướng cho Cha Mẹ. Nhiều khi trước đó một tuần mình nói Mẹ mình không nghe, nhưng sau một tuần niệm Phật, nhờ có công đức nên lời nói của mình hình như có hiệu lực hơn… Lạ lắm!…
Chính vì vậy, muốn đi hộ niệm cho người được vãng sanh, thì người hộ niệm chúng ta cũng phải cố gắng niệm Phật để có công đức. Luôn luôn lúc nào cũng vậy. Khi mình tới ngồi hộ niệm… “Nam Mô A-Di-Đà Phật… A-Di-Đà Phật… A-Di-Đà Phật”. Nếu mình có công phu tu hành thì thường thường chư Thiên-Long Hộ-Pháp gia trì cho mình, câu niệm Phật của mình có giá trị, lời nói của mình được các Ngài gia trì luôn. Chính nhờ vậy, khi mình khai thị cũng dễ làm cho người bệnh cảm động, làm cho người bệnh hình như có một sự cảm ứng, và người ta dễ nghe theo.
Thông thường nhiều vị cứ để Mẹ mình nằm ở nhà thương cho đến khi yếu thật yếu rồi mới tới kêu:
- Anh Diệu Âm ơi! Bây giờ làm sao? Mẹ tôi ở Sài-Gòn… Mẹ tôi ở Đà-Nẵng… bây giờ làm sao giới thiệu cho tôi ban hộ niệm….
Thật ra mình giới thiệu là vị nể mà giới thiệu thôi, chứ cũng chưa chắc gì cứu được người đó đâu! Vì hồi giờ người đó không có niệm Phật! Đừng nên nghĩ sai lầm rằng ban hộ niệm có thể giải quyết được! Cho nên, gặp những trường hợp này Diệu Âm thường thường khuyên người con đó hãy phát tâm ra trước đã.
Chứ còn như, khi hỏi tới:
- Hồi giờ Mẹ chị có niệm Phật không?…
- Có, nhưng lười biếng lắm!
- Có ăn chay chưa?
- Dạ chưa.
Còn vướng đủ thứ hết trơn! Vậy thì làm sao bây giờ?…
- Chính mình phải lo niệm Phật.
- Chính mình phải phát tâm phóng sanh.
- Chính mình phải in kinh ấn tống.
- Chính mình phải cầm xâu chuỗi niệm Phật trước Mẹ mình…
- Mẹ ơi! Con niệm Phật để hồi hướng cho Mẹ, chứ nếu không lỡ Mẹ bị chết rồi, con không có cách nào có thể cứu Mẹ được…
Chính cái tâm thành của người con cảm ứng đến Mẹ. Chính người con cũng nên dẫn người Mẹ tới gặp ban hộ niệm và hứa với ban hộ niệm rằng:
-Tôi sẽ cố hết sức để khuyên Mẹ tôi niệm Phật. Xin chư vị giúp Mẹ tôi…
Chính lòng chân thành của người con mà làm cho ban hộ niệm mới dám nhận cái ca này để hộ niệm. Chứ nếu mình ỷ lại ban hộ niệm, mình không chịu tham gia tích cực với họ thì nhiều khi ban hộ niệm đó họ hộ niệm cũng không được.
Nói chung, nhất định đừng bao giờ chờ đến phút cuối cùng rồi nhờ ban hộ niệm… Không hay! Xin thưa chư vị, phải lo trước…
– Nhất định phải niệm Phật trước,
– Nhất định phải tạo công phu trước,
– Nhất định nhớ rằng, chúng ta ở đây toàn là những người trên sáu mươi tuổi hết trơn. Một sớm một chiều là xong…
Nếu không có công đức để hóa giải những ách nạn của chính mình, thì sau cùng rồi cũng phải chịu khó khăn! Nếu từ giờ phút này chúng ta quyết lòng niệm Phật, xin thưa rằng, trong một ngày, hai ngày, ba ngày hay một tuần lễ hai tuần lễ mà chúng ta quyết lòng niệm Phật đó thì tự nhiên phước đức mình sẽ tăng lên, nghiệp chướng của mình sẽ giảm xuống và có thể có sự cảm ứng rõ rệt. Đừng nên thấy có ban hộ niệm rồi ỷ lại, mà phải nhớ rằng là mình phải lo công phu niệm Phật. Lòng chân thành này nhất định sẽ cảm ứng đến A-Di-Đà Phật.
Nếu lòng chân thành thật sự có, thì tự nhiên vấn đề được vãng sanh sẽ đơn giản lắm! Dễ dàng lắm!… Vãng sanh vi diệu bất khả tư nghì!…
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Cư sĩ Diệu Âm (Minh Trị)

0 comments:

Post a Comment