Thursday, October 11, 2012

SÁCH TẤN TU - HT Thích Thanh Từ


hoathuongtonsuMỗi năm tất cả người tu chúng ta, ít nhất phải có một lần ôn lại chuyện cũ và chuẩn bị cho việc mới. Nói một cách dễ hiểu, là qua một năm, những cái dở chúng ta phải chừa, chuẩn bị cho năm tới được tốt được sáng sủa hơn, đó là bổn phận của người tu. Ngài Trần Tôn Túc là đệ tử của tổ Hoàng Bá, có nói :
"Việc lớn (Giải thoát luân hồi sanh tử. ) chưa sáng như đưa ma mẹ. Việc lớn đã sáng như đưa ma mẹ."
Câu này, tất cả Tăng ni Phật tử phải nghiền ngẫm, ứng dụng tu tập để không vấp phải lỗi lầm, cho xứng đáng là một người tu. Tất cả người tu, ai cũng mong một ngày nào đó chúng ta sẽ sáng được
"việc lớn". Nếu "việc lớn" mà chưa sáng thì chúng ta phải cố gắng nỗ lực tiến tu để được sáng. Nếu "việc lớn" tuy đã sáng không phải ngang đó dừng lại mà còn phải tiếp tục huân tu cho đến viên mãn.
Đó là điều mà hôm nay tôi muốn nhắc cho quý vị rõ. Cổ đức có nói :
Chưa đến "vô tâm", cần phải đến.
Đã đến vô tâm, "vô" cũng thôi.
Khi chưa được "vô tâm", chưa sáng được "việc lớn" chúng ta phải nỗi lực tiến tu để được sáng, để được vô tâm, nhưng khi đã được "vô tâm" rồi, chữ "vô" cũng phải buông luôn. Chớ không phải đến chỗ "vô tâm" rồi ngang đó là đủ, là xong. Vậy để khai triển cho sáng tỏ nghĩa này, tôi xin tuần tự nêu từ cái dở đến cái hay, để tất cả Tăng Ni và Phật tử kinh nghiệm ứng dụng tu tập khỏi sai lầm và được kết quả tốt đẹp.
Bịnh thứ nhất của người tu Phật hiện nay là khinh lờn; đa số người tu khi mới vào đạo, cư sĩ cũng như xuất gia, lúc đầu phấn khởi, hăng hái, thấy chỗ đạt đạo ở trước mắt, không xa. Nhưng, qua năm thứ hai, năm thứ ba dần dần giảm nhuệ khí, không còn phấn khởi hăng hái, bắt đầu khinh lờn lơi lỏng. Người xưa thường nói: "Nhứt niên Phật hiện tiền, nhị niên Phật thăng thiên". Năm đầu mới vào đạo thấy đạo không khó, nhưng qua năm thứ hai, năm thứ ba hay nhiều năm nữa tinh thần phấn khởi hăng hái của buổi đầu dần dần xuống dốc, rồi càng ngày càng buông lung phóng túng. Trong giới tu sĩ
ban đầu xuất gia, ai cũng có ước nguyện tu phải giải thoát trong hiện đời. Nhưng, xuất gia được vài ba năm, hơi quen, thỉnh thoảng cũng có chuyện hơn, chuyện thua, chuyện phải, chuyện quấy, yếu từ từ. Yếu ít ít thì còn đỡ, có nhiều người quá yếu, yếu đến đổi bị rầy bị chê, đó là do không giữ được tâm ban đầu. Nếu giữ được tâm ban đầu, thì đạo không xa, giải thoát gần kề. Quên tâm ban đầu đạo
càng ngày càng xa, giải thoát càng ngày càng khó. Trong kinh A Hàm, Phật nói người mới xuất gia giống như cô dâu mới về nhà chồng; đối với cha mẹ chồng, chị chồng, em chồng đều quí đều nể, khép nép cung kính. Nhưng ở đôi ba năm, có con rồi, đối với cha chồng thì coi không ra gì, mẹ chồng thì không còn sợ nữa, chị chồng em chồng thì ăn hiếp luôn, cả ông chồng cũng không nể. Người tu hiện tại cũng vậy, mới vào đạo cạo tóc, đối với Hòa thượng, Thượng tọa thì khép nép cung kính, các sư huynh thì nể nang dễ dạy. Tu đến một năm, hai năm, ba năm; thấy Hòa thượng, Thượng tọa, có khi quên cúi đầu, cho đến sai bảo cũng không thèm làm nữa. Đó là cái bịnh khinh lờn, nên tu không tiến. Vì vậy, mà Phật dạy chúng ta phải nhớ tâm ban đầu. Trong kinh Phật dạy các thầy Tỳ kheo mỗi sáng phải nhớ rờ đầu mình một lần, rờ để nhớ đầu mình trọc, không còn nghĩ tới chuyện thế gian nữa. Phật dạy chúng ta trên đường tu đừng có niệm khinh lờn. Nếu có niệm khinh lờn thì ban đầu tu tiến bộ, nhưng sau rồi lùi, lùi cho tới không còn tu được nữa. Đó là bịnh thứ nhất của người tu.
Bịnh thứ hai là tự mãn. Tự mãn là được ít cho là đủ. Có những người mỗi ngày tụng kinh được hai thời công phu, học được ít bộ kinh, coi như đã đủ cho mình làm Phật sự, hài lòng với cái mình đã học đã được, cho đó là sở trường mà không cố gắng nỗ lực để tiến. Như vậy, tự ghép mình ở trong phạm vi hẹp hòi để rồi cả một đời tu không tiến bộ. Thiền sư Thanh ở Dũng Tuyền, Ngài nói với chúng rằng: "Tôi ở trong đây 49 năm còn có khi tẩu tác, các ông chớ nói to, người kiến giải thì nhiều, người hành giải thì ít, muôn người không có một. Kiến giải ngôn ngữ cần biết suốt, nghiệp thức chưa hết sẽ bảo đi trong luân hồi vậy". Ngài là một thiền sư đã ngộ đạo, Ngài đã ở 49 năm trên núi Dũng Tuyền, còn có khi tẩu tác, tức là tâm chạy bậy như trâu hoang. Huống là người mới vào đạo vài ba năm, tự thấy mình đã xong việc, ăn to nói lớn, tưởng mình là Thánh, đó là điều không nên. Ngài nói: "Người kiến giải thì nhiều", tức là người học hiểu thì nhiều mà hành thì ít, tuy muôn người hiểu chưa có được một người hành. Ngài nói vậy không có nghĩa cấm không cho người tu có kiến giải. Ngài dạy: Kiến giải, ngôn ngữ cần phải biết suốt, phải thông, nhưng nếu thức tình chưa hết, thì sẽ đi trong luân hồi. Người xưa biết được bịnh của người sau, nên nhắc nhở cho chúng ta biết, trên đường tu không phải đơn giản một sớm một chiều là xong việc, không phải học hiểu là rồi, mà còn phải hành phải sống được, đó mới là điều thiết yếu. Hiện tại, có một số Tăng Ni học hiểu, hiểu rồi cứ ăn to nói lớn, tưởng đó là hay, nhưng không ngờ vẫn còn thức tình, khi chết sẽ đi trong luân hồi như bao nhiêu người chưa tu khác. Cho nên quí vị phải xét nét, cố gắng vượt qua lỗi đó.
Bịnh thứ ba là bịnh thụ hưởng. Có một số người, tu được năm năm, mười năm, thọ giới cụ túc làm trụ trì, tự coi mình xứng đáng là người lãnh đạo. Từ đó sanh ra thụ hưởng, nghĩ tới ăn chơi vui đùa, chạy theo dục lạc, mà không nghĩ tới việc tiến tu. Đó là điều rất nguy hiểm cho đạo. Vì chúng ta tu cốt là dứt sạch phiền não, mà phiền não thì phát xuất từ dục lạc, nếu còn hưởng thụ dục lạc thì phiền não làm sao mà sạch được! Vậy nên người nào tu hành mà nặng thụ hưởng, người đó thế nào rồi cũng bị dục lạc làm chủ; mà dục lạc làm chủ thì đời này không thể tiến được, mai kia cũng khó mà trả nợ áo cơm. Cho nên:
                    Học đạo chẳng thông lý
                    Đem thân đền tin thí
                    Trưởng giả tuổi tám mốt
                    Cây kia chẳng sanh nhĩ
Bài kệ này thuật lại việc một Tỳ kheo tu hành tương đối tốt, có một trưởng giả thấy vậy quý kính, thường ngày cúng dường y thực đầy đủ. Nhưng vị Tăng chưa sáng được "việc lớn", sau khi chết, thân
trở lại đền nợ thí chủ bằng cách "tái sanh thành một thân cây", mỗi ngày mọc nấm cho trưởng giả ăn, tới khi ông trưởng giả tám mươi mốt tuổi, nấm mới hết mọc. Câu chuyện cho thấy rằng, nếu tu mà
không sáng được đạo, không dứt được thức tình dù có cố gắng cũng không giải thoát được. Nếu thụ hưởng nhiều, thì họa cũng lắm, như vị Tỳ kheo này tu tốt nhưng không sáng được lý đạo vẫn phải tái
sanh thành hoa báu để trả nợ áo cơm. Đó là trả nợ nhẹ. Nếu chúng ta nợ nặng hơn thì phải mang thân xấu xí có lông có sừng đi trong lục đạo để trả nợ cho đàn na thí chủ. Vì vậy, tất cả người tu chúng ta phải nhớ rằng không phải chỉ tụng một hai thời khóa công phu, hay chỉ thành một ông trụ trì tu sơ sài ngoài hình tướng là xong việc tu. Mà phải thấy được đạo, sống được với đạo, mới mong thoát ly
sanh tử. Đó là điều thiết yếu mà tôi mong tất cả Tăng Ni cũng như Phật tử phải nhớ lấy. Đừng có hài lòng, đừng có tự mãn, để rồi phải chiêu họa về sau.
Bây giờ trở lại "việc lớn chưa sáng như đưa ma mẹ", quí vị thường thấy khi đưa đám ma mẹ, trên gương mặt của những người con rất âu sầu áo não, họ thật buồn bã khổ đau. Cũng vậy, đối với người tu chưa sáng được "việc lớn", ngày nào, tháng nào, năm nào, cũng phải ôm ấp lòng thao thức, niệm niệm quyết chí tu hành. Điều gì chưa hiểu phải học cho hiểu, lý nào chưa thông phải nghiên cứu cho
thông, như vậy khả dĩ còn tiến đuợc. Nếu "việc lớn" chưa sáng mà cứ chơi hết ngày hết tháng, thì không mong gì đạt được sở nguyện. Thế nên, "việc lớn" chưa sáng lúc nào cũng phải ôm ấp lo buồn, phải nỗ lực, phải cố gắng để đạt cho được đến kỳ cùng. Như vậy, mới xứng đáng một người xuất gia tu Phật. Nếu không như vậy thì uổng một đời tu, lại còn làm cho người đời chê cười, khinh bỉ giáo lý
cao siêu của Phật. Chúng ta không có quyền nghĩ rằng mình tu lai rai để đời sau tu nữa mà phải quyết chí tu giải thoát trong đời này. Nếu chưa xong, ít ra tập khí cũng phải mòn rồi đời sau tiếp tục tu một cách dễ dàng. Xưa, có những thiền sư mỗi khi chiều xuống, xét mình tu chưa tiến, các Ngài rơi lệ. Còn chúng ta mỗi khi chiều xuống thì cứ cười hỉ hạ, mặc tình thời gian trôi qua... Tại sao các Ngài
không tiến thì khóc, còn chúng ta không tiến lại cười? Tâm niệm người xưa và tâm niệm người nay khác nhau ở chỗ đó. Người xưa quyết chí cầu giải thoát, hạnh nguyện chưa xong thì không vui, đã không vui thì đâu có thảnh thơi cười đùa. Qua một ngày mà không tiến các Ngài thấy đau khổ xót xa đến độ phải rơi nước mắt. Người thời nay, dù không được như người xưa, thì ít ra một ngày qua, thấy mình tu không tiến, lòng nao nao, tự trách mình hèn nhát, không gan dạ. Đâu quí vị kiểm lại một năm qua, thấy mình tu tiến nhiều hay ít? Nếu kiểm lại mình tu không tiến được chút nào, thì phải hổ thẹn không an lòng. Tu cốt là phải tiến chứ không phải đứng một chỗ, đứng một chỗ có nghĩa là lùi. Huống là có nhiều người lại còn bước lùi nữa, như thế thật là quá tệ ! Qua một năm rồi, xét lại không tiến mà vẫn an nhiên vui vẻ, thì e rằng năm tới cũng như năm cũ, rồi nhiều năm và cả cuộc đời tu không tiến bộ. Do đó, hôm nay là ngày cuối năm, kiểm lại, ai thấy mình không tiến được chút nào, phải tự hổ thẹn. Nguyện năm tới lập lại cuộc đời, không lôi thôi như năm cũ nữa, như vậy mới khả dĩ có điều kiện để vươn lên. Mỗi người chúng ta phải lập nguyện cho mạnh, lập chí cho vững, để năm tới sống xứng đáng là người tu có trọng trách tự giác giác tha. Đó là điều mà tôi mong mỏi nơi quí vị.
"Việc lớn đã sáng như đưa ma mẹ". Có một số tu sĩ lầm tưởng rằng một khi đạt được lý đạo, ngang đó là thành Phật thành Tổ. Sự thực chưa phải như vậy. Sau đây là bài kệ nói lên ý nghĩa đó:
                    Đốn ngộ tuy đồng Phật
                    Đa sanh tập khí thâm
                    Phong đình ba thượng dũng
                    Lý hiện niệm du xâm.
"Đốn ngộ tuy đồng Phật" nghĩa là chỗ ngộ của Phật và chỗ ngộ của mình không khác. Nhưng "đa sanh tập khí thâm", tức là nhiều đời tập khí của mình sâu dày; hồi xưa tham, sân, si, phiền não nhiều, còn ghi đậm nét ở thói quen. Bây giờ tuy ngộ được lý đạo, nhưng đối duyên xúc cảnh cũng còn tham cũng còn sân cũng còn si, chưa hết. "Phong đình ba thượng dũng", giống như gió đã dừng rồi mà mặt biển sóng vẫn vỗ vào bờ. "Lý hiện niệm du xâm", đối với đạo lý đã thấy được lẽ thật, nhưng mà vọng niệm vẫn còn dấy khởi hoài. Như vậy, đừng tưởng rằng mình ngộ được lý đạo là rồi việc, mà còn phải nỗ lực tiến tu trong tất cả giờ. Khi vọng niệm sạch tâm không còn bị quấy nhiễu, tánh giác không còn bị che mờ, chừng đó mới khả dĩ hợp đạo. Nếu ngang đó mà hài lòng tự mãn là bịnh lớn. Kinh Trung A Hàm có ghi: Một người ngoại đạo tới hỏi Phật:
- Thưa Ngài Cồ Đàm, những đệ tử của Ngài đã ngộ đạo, những người đó có đến Niết bàn hết hay chăng?
Phật trả lời:
- Có người đến Niết bàn, có người không đến Niết bàn.
Người ngoại đạo lấy làm lạ hỏi:
- Tại sao đã ngộ đạo rồi, có người được đến Niết bàn, lại có người không đến?
Phật ví dụ: Có người bị tên độc bắn vào tay, mời thầy thuốc tới mổ lấy tên ra, khử độc, băng bó kỹ càng, thầy thuốc dặn nên giữ gìn đừng cho nhiễm trùng. Nhưng người đó nghĩ rằng tên độc đã nhổ ra,
dùng thuốc khử độc rồi, còn lo sợ gì nữa. Ngang đó tha hồ suông pha ăn, làm; vết thương bị nhiễm trùng, hành hạ rồi chết. Người thứ hai cũng bị tên độc và cũng được nhổ ra khử trùng và băng bó, y sĩ cũng dặn dò như trước. Người thứ hai biết giữ gìn, từ khi đó không dám để dơ, để nhiễm trùng, lần lần vết thương kéo da non rồi lành hẳn. Hai người cùng bị tên độc, cùng được mổ lấy tên ra khử độc như nhau. Vậy, tại sao một người chết, một người lành? Cũng vậy, người tu ngộ đạo rồi, mà ngang đó biết nghe lời Phật Tổ dạy lo tiến tu,giữ đạo hạnh, càng ngày càng thanh tịnh trong sáng thì sẽ đến Niết bàn. Còn người ngộ đạo rồi, ngang đó tự mãn, suông pha làm những việc trái với đạo, lần lần bị ô nhiễm rồi thối đọa. Như vậy, qúy vị đừng tưởng ngộ rồi là xong. Bởi vì "đa sanh tập khí thâm", ngộ đạo thì ngộ, mà tập khí vẫn còn nếu mà lân la với thói cũ thì bị nhiễm ô. Nên tu phải hiểu cho thấu đáo điều đó, đừng tưởng ngộ rồi là xong việc. Bởi vậy, nên nói "việc lớn đã sáng như đưa ma mẹ" là vậy. Đây, tôi dẫn lời của Thiền sư Truyên Sở ở núi Thanh Phong.
Có vị tăng hỏi:
- Việc lớn đã sáng vì sao như đưa ma mẹ?
Ngài đáp:
- Chẳng gặp gió xuân hoa chẳng nở Đến khi hoa nở lại thổi rơi
Quý vị thấy có giống câu:
- "Chưa đến "vô tâm" cần phải đến
Đã đến vô tâm "vô" cũng thôi".
Khi hoa nở, đợi gió xuân thổi cho hoa rụng luôn, mới là xong việc. Người xưa rất cẩn thận dè dặt chỉ dạy cho chúng ta những kinh nghiệm để tu, Ngài Tử Thuần Đơn Hà làm tụng:
                    Gia sơn quy đáo mạc nhơn tuần.
                    Kiệt lực dần thần phụng nhị thân
                    Cơ tận, công vong, ơn nghĩa đoạn
                    Tiện thành bất hiếu xiển đề nhơn.

        Dịch:
                    Gia sơn về đến chớ dần dà
                    Gắng sức sớm hôm dưỡng mẹ cha
                    Cơ hết, công quên ân nghĩa dứt
                    Bỗng thành bất hiếu người xiển đề.
"Gia sơn về đến chớ dần dà", nghĩa là người tu như người trở về quê hương, cái hy vọng thiết tha nhất của họ là về cho tới nhà. Về tới nhà để làm gì? Về tới nhà để "gắng sức" sớm hôm dưỡng mẹ cha",
chớ không phải về để chơi. Nuôi dưỡng mẹ cha rồi, nếu mà còn nghĩ mình là con có hiếu, là kẻ có công cũng chưa được nên nói: "Cơ hết, công quên ơn nghĩa dứt", tới đó, cơ phương tiện, công giúp đỡ cha mẹ không còn thấy nữa. Thì "bỗng thành bất hiếu người xiển đề". Tại sao câu kết lạ vậy? Chúng ta thường nghe trong kinh nói xiển đề là người bất tín, tức là không đủ lòng tin, ở đây sao gọi người
con bất hiếu là xiển đề? Xiển đề có ba loại:
1. Người phạm tội ngũ nghịch gọi là xiển đề.
2. Người đối với Tam Bảo không có một tí lòng tin cũng gọi là xiển đề.
3. Người như ngu như ngây không còn thấy có Phật ở trên để mà kính, có chúng sanh ở dưới để mà xem thường cũng gọi đó là xiển đề.
Người đối với Tam bảo không còn cung kính là người thấy Phật và chúng sanh bình đẳng nên gọi đó là xiển đề. Cũng như ở trên nói:
                    Cơ hết, công quên ân nghĩa dứt
                    Bỗng thành bất hiếu người xiển đề.
Nếu người tu mà còn thấy mình là người đắc đạo, là người ngộ đạo, thì người đó còn bệnh. Vì ngộ đạo mà còn thấy mình ngộ đạo là còn ngã và ngã sở nên còn kẹt. Người chưa ngộ đạo mà vỗ ngực
xưng ta là người thấy đạo ngộ đạo, người đó lại thuộc hạng người lừa thầy dối bạn gạt chúng sanh, làm tổn hại Phật Pháp. Qúy vị nên biết rõ hạng người này. Kinh Kim cang có đoạn: "Pháp thượng ưng xả, hà huống phi pháp". Tới chỗ rốt ráo, pháp chân chính còn phải buông xả huống là phi pháp. Lời Phật dạy giống như chiếc thuyền đưa người qua sông, tới bờ rồi thuyền cũng bỏ, như vậy mới xong việc. Còn nếu tu tới đó mà hài lòng tự mãn thì không thể nào tránh khỏi cái lỗi "vác thuyền không lên bờ đi".
Lại cũng một Thiền sư khác; Ngài Thanh Long, nhơn nơi ý này làm một bài tụng:
                    Bần tử dụ trung tằng chỉ chú
                    Linh bình tân khổ uổng ta đà
                    Khúc thùy phương tiện thân phân phó
                    Triết mạc nhơn tuần sử tả khoa.

        Dịch:
                    Trong dụ kẻ nghèo từng chỉ rõ
                    Lang thang cay đắng luống trôi qua
                    Được bày phương tiện vì giao phó
                    Thôi chớ lơ là khiến mất xa.
Ngài Thanh Long cũng nhắc chúng ta rằng: "Trong dụ kẻ nghèo từng chỉ rõ". Con người chẳng khác nào kẻ cùng tử trong kinh Pháp Hoa. "Lang thang cay đắng luống trôi qua". Kẻ cùng tử đó trong thời
gian lang thang ở xứ lạ quê người, là lúc chịu muôn ngàn cay đắng. Nhưng bây giờ tìm được lối trở về và về đến nhà, vượt qua hết mọi cay đắng rồi, vẫn chưa xong việc mà còn phải: "Được bày phương
tiện vì giao phó". Ông trưởng giả dùng phương tiện dẫn dụ kẻ cùng tử để trao sự nghiệp giao kho tàng cho gìn giữ. Vậy mà cũng vẫn chưa xong, còn phải: "Thôi chớ lơ là khiến mất xa". Người con được giao phó phải bảo quản sự nghiệp ông cha được còn mãi mãi.
Dụ chàng cùng tử trong kinh Pháp Hoa dạy rằng: nếu tu đến chỗ "sáng được việc lớn" mà không chịu nỗ lực cố gắng tu nữa thì một ngày nào đó cũng bị rơi vào chỗ tối tăm trở lại. "Sáng được việc lớn" rồi, phải nỗ lực cố gắng cho đến bao giờ viên mãn công hạnh của người tu mới là xong việc. Khi nhắc tới đây, tôi khuyên tất cả quý vị đừng bao giờ cho rằng mình thấy được đạo là xong việc, mà phải hành đạo và hằng sống được với đạo. Người sống được với đạo thì mình và đạo không hai, lúc đó tự mình đã giải thoát, không phải đợi tới khi chết mới giải thoát, thì quá mơ hồ xa xôi. Đó là điểm mà tất cả người tu phải thấy. Không nên hài lòng tự mãn ở cái ngộ cái hiểu của mình, mà phải nỗ lực hằng sống cho được với cái mà mình đã ngộ, thì mới khả dĩ xứng đáng là người cầu giải thoát. Kết luận, tôi xin lập lại:
                    Vị đáo vô tâm tu yếu đáo
                    Ký đáo vô tâm vô dã hưu.

        Dịch:
                    Chưa đến "vô tâm", cần phải đến
                    Đã đến vô tâm, "vô" cũng thôi.
Người tu ở trong hai trường hợp: Nếu còn mù tối, chưa thấy được đạo, phải nỗ lực học hành, tham vấn, tu tập. Khi đến chỗ "vô tâm" rồi, chính "cái vô" cũng phải buông nữa, thì mới đến chỗ mình và
muôn vật không hai. Nếu còn thấy "cái vô" thì còn kẹt ở nước "vô sanh của rồng chết". Đó là chỗ mà chúng ta phải biết.
Hôm nay, tôi nhắc lại lời dạy của Ngài Trần Tôn Túc để cho tất cả qúy vị người tại gia cũng như xuất gia tự xét lại mình coi tu có tiến hay không. Nếu tu đã có tiến thì năm tới cũng phải cố gắng để khá hơn. Còn nếu, người nào cảm thấy rằng đã qua một năm mà không tiến chút nào, thì ngang đây chuẩn bị cho năm tới phải nỗ lực phát nguyện mạnh mẽ để tu bù lại những thiếu sót của năm qua, và xứng công trong năm tới. Như vậy mới không uổng công một kiếp tu hành.

0 comments:

Post a Comment