Trong
kinh A Hàm đức Phật có dạy, người nào thấy được lý nhân duyên thì
người đó thấy được pháp. Thấy được pháp tức là thấy đạo hay thấy Phật.
Qua đó chúng ta thấy tầm quan trọng của lý nhân duyên như thế nào rồi.
Cũng như vậy, con người do nhân duyên sinh nên không chủ thể, không cố
định. Muôn vật trên thế gian này do nhân duyên sinh cũng không chủ thể,
không cố định. Tuy không cố định, không chủ thể nhưng muôn sự muôn vật
vẫn có, đủ duyên thì nó hiện tiền. Hiểu lý này rồi chúng ta mới hiểu
chữ Không trong kinh Bát Nhã.
Chúng
ta đừng lầm chữ Không trong kinh Bát Nhã là trống rỗng, không có gì
hết. Không là đối với có. Nhưng chữ Không đây là ngay nơi sự vật hiện
tiền mắt thấy, tay sờ mó được song chủ thể nó là không, không cố định.
Như vậy dù mắt thấy, tay sờ mó được mà nói là Không, đó là không chủ
thể, không cố định. Bát Nhã nói Không vì nó do nhân duyên sinh nên
không chủ thể. Cho nên chữ Không trong kinh Bát Nhã còn gọi là tánh
Không. Hệ thống Bát Nhã gọi đó là tự tánh Không. Tức là không có chủ
thể, không tự tánh nhưng sự vật vẫn có giả tướng của nó khi đủ duyên tụ
hội.
Con
người chúng ta cũng do nhân duyên sinh, không có chủ thể, cố định. Vậy
gọi ta được không ? Chỉ là cái ta tạm bợ, còn mất theo duyên, không có
giá trị thật. Thế mà lâu nay chúng ta cứ lầm nhận ta là thật, sự vật
là thật. Nhà Phật gọi lầm nhận đó là vô minh, là si mê. Người học Phật
phải có trí tuệ sáng suốt, thấy đúng như thật. Những gì Phật dạy chúng
ta quán sát, thấu suốt mới đem ra hướng dẫn chỉ dạy cho người khác, chớ
không phải học hiểu suông mà thấy được lẽ thật.
Chúng
ta thử nghiệm lại thân mình có phải là tạm bợ hay không ? Nếu thân
chắc chắn chân thật thì không bao giờ hoại. Vì do duyên hợp nên thiếu
duyên thì nó sanh ra bệnh tật rồi đi đến bại hoại. Đó là lẽ thật, không
còn gì nghi ngờ nữa. Vì vậy đức Phật nói thân này vô ngã. Vì vô ngã
nên không chủ thể, bởi không chủ thể nên tùy duyên mà thành, tùy duyên
mà hoại, không phải lúc nào cũng nguyên vẹn.
Chúng
ta thấy rõ ý nghĩa của chữ Không rồi thì đối với sự vật hiện tiền mắt
thấy, tay sờ mó được là thật có hay thật không ? Nói thật có hay thật
không đều sai cả vì nó tạm bợ, chỉ có giả tướng hiện tiền. Như vậy phải
nói sao ? Nói các pháp không thật có, do duyên sinh, chỉ tạm có nên
nhà Phật gọi như huyễn, như hóa. Đến đây tôi nhớ Thiền sư Từ Đạo Hạnh ở
đời Lý có bài kệ:
Tác hữu trần sa hữu,
Vi không nhất thiết không.
Hữu không như thủy nguyệt,
Vật trước hữu không không.
Tạm dịch:
Có thì muôn sự có,
Không thì tất cả không.
Có không trăng đáy nước,
Đừng mắc có không không.
Vi không nhất thiết không.
Hữu không như thủy nguyệt,
Vật trước hữu không không.
Tạm dịch:
Có thì muôn sự có,
Không thì tất cả không.
Có không trăng đáy nước,
Đừng mắc có không không.
Ngài
Từ Đạo Hạnh diễn đạt hình ảnh cho chúng ta thấy rất linh động. Tất cả
sự vật nếu nói có thì vật nào cũng có hết. Tại sao ? Vì trên giả tướng
mắt thấy, tay sờ mó được. Còn nếu nói không thì tất cả đều không hết,
vì chúng là duyên hợp không thật. Không thật nên nói là không. Như vậy
nói có và không giống như mặt trăng dưới đáy nước. Đêm rằm ta nhìn
xuống hồ nước, thấy mặt trăng hiện dưới đáy nước. Mặt trăng ở đáy nước
là thực có hay thực không ? Nếu thực có sao đưa tay vớt lên không được.
Nếu thực không sao mắt chúng ta thấy rõ ràng. Nên gọi là có mà chỉ là
cái bóng, chớ không phải không ngơ. Nhưng là bóng thì nó không thật.
Muôn
sự vật ở thế gian này cũng như bóng trăng đáy nước, nhìn thấy như có
nhưng rốt cuộc không thực thể. Cho nên có cũng như không, chỉ vì duyên
hợp tạm có. Người ta cứ ngỡ rằng những gì mắt thấy tai nghe là thực có,
nhưng không ngờ chúng là duyên hợp. Đã là duyên hợp, chúng ta đừng lầm
chấp nó thật thì sẽ không đau khổ. Đây là chỗ khó của người học Phật.
Nếu thấy được lý này thì chúng ta sẽ thấy đạo Phật hay đáo để.
Chúng
ta tu khó khăn vì chúng ta thấy cái gì cũng thật nên dễ nhiễm, dễ kẹt.
Nhiễm kẹt thì sự tu không tiến, còn thấy các pháp không thật thì chúng
ta không có gì để chấp, mà không chấp thì đường tu hết sức dễ dàng.
Cho nên si mê là động cơ chủ yếu đưa chúng ta đến chỗ sai lầm. Từ sai
lầm đó khiến chúng ta không thấy lẽ thật, rồi bị chìm đắm trong sinh tử
kiếp này kiếp nọ không cùng. Các pháp là tướng duyên hợp không thật,
nhưng không khéo tu chúng ta sẽ không ra khỏi nó, chỗ này rất là quan
trọng.
Kinh
Bát Nhã có câu : “Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm Bát nhã ba la mật đa
thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai Không, độ nhất thiết khổ ách”. Nghĩa là,
Bồ Tát Quán Tự Tại khi thực hành sâu trí tuệ Bát Nhã, Ngài xem thấy tất
cả sự vật, tất cả pháp đều không có thực thể, không cố định. Khi thấy
như vậy Ngài liền qua hết thảy khổ nạn.
Ngày
nay chúng ta tụng kinh Bát Nhã từ lúc mới vào chùa cho tới năm sáu
mươi tuổi, biết bao nhiêu biến ? Trăm ngàn biến mà khổ ách vẫn là khổ
ách. Bởi vì tụng Bát Nhã thì tụng mà nhìn thấy thân năm uẩn thật. Nếu
thấy thân năm uẩn duyên hợp hư dối thì có ai chửi chúng ta thấy sao ?
Thân năm uẩn đã không thật thì lời chửi có thật đâu. Chẳng qua cũng là
tạm bợ hư giả thôi. Mình hư giả, người hư giả, lời nói hư giả, có gì mà
khổ, có gì mà phiền. Cho tới tất cả những thiệt thòi, khổ sở khác, nếu
xét kỹ chúng có thật không ? Cũng không thật. Như vậy có gì làm chúng
ta khổ sở đâu ? Chỉ cần dùng trí tuệ Bát Nhã soi thấu muôn sự vật, soi
thấu lại bản thân mình đều là duyên hợp hư giả. Thấy được như vậy thì
khổ ách nào cũng qua hết.
Chúng
ta đọc kinh đúng ra là đọc cho mình nhớ và thực hành theo lời Phật
dạy. Nhưng thường Phật tử cứ nghĩ rằng đọc như vậy có phước. Đọc hai
lần phước nhiều hơn một chút. Do không biết lời Phật dạy để ứng dụng
quán chiếu lại bản thân và mọi vật chung quanh, thấu triệt được lẽ thật
của nó nên chúng ta cứ đọc cho Phật nghe hoài, còn mình thì không dính
dáng gì hết. Phật nói chiếu kiến ngũ uẩn giai không độ nhất thiết khổ
ách, chúng ta tụng hoài sao không qua được khổ ách ? Bởi vì có chiếu
kiến đâu ! Chiếu kiến là soi sáng, mà chúng ta không chịu soi sáng thì
làm sao thấu tỏ được. Đó là lầm lẫn của chúng ta.
Tất
cả sự vật đến với ta, ta không chấp thì dễ tu biết mấy. Mình có phải
khổ sở để dẹp nóng giận, dẹp phiền não không ? Sở dĩ chúng ta phiền
não, chúng ta nóng giận là vì chúng ta chấp nó thật. Nếu biết rõ nó
không thật, chỉ tạm bợ do duyên hợp thì có gì mà chấp. Do không chấp
nên thảnh thơi tự tại đi giữa cuộc đời mà chúng ta không dính mắc gì
cả.
Như
vậy Phật độ chúng ta hết khổ, hay chúng ta dùng trí tuệ thấy muôn sự
vật xảy đến với mình không thật, liền vượt qua các khổ. Nỗi khổ không
ai cứu ta được mà do ta nhận ra chân tướng của nó không thật thì có gì
làm ta phiền hà, khổ sở nữa ! Thấy tường tận đạo lý thì không còn chấp.
Nên nhớ chấp là gốc từ si mê, là nhân của đau khổ. Nhờ trí tuệ sáng
không chấp nên đau khổ cũng không còn. Tụng một bài kinh Bát Nhã mà
thấu triệt rồi thì chúng ta tự tại đi trong cuộc đời. Đó là điều chắc
chắn vậy.
0 comments:
Post a Comment