Wednesday, December 5, 2012

Làm bạn với con - Hành trình không đơn giản!

http://www6.vnmedia.vn/NewsDetail.asp?NewsId=296080&CatId=464

Ngày xưa, khi bước vào tuổi ẩm ương tôi không hiểu tại sao mẹ lại khắt khe với tôi đến thế. Bất cứ điều gì tôi nói hoặc làm đều khiến mẹ khó chịu và bực bội. Mẹ thường cằn nhằn: “Người ta bảo “Nợ mòn con lớn”, còn tôi con lớn, nợ càng lớn hơn”. Nghe mẹ nói tôi không dám cãi nhưng trong lòng đầy ấm ức…
1- Ngày sinh con gái, ai khen chê thế nào cũng mặc, với tôi, con gái xinh nhất, đáng yêu nhất trên đời. Tôi vô cùng thích thú và ngạc nhiên khi tự mình cũng có thể “làm ra” một đứa bé đáng yêu. Quên đau, quên mệt, tôi ngắm con cả ngày không biết chán, rồi bế con lên vừa đu đưa vừa hát ru không biết mỏi.

Con gái tôi ngoan, hiền nhưng cũng rất cá  tính và ưa khám phá.  Mới học lớp chồi mà bé đã làm được rất nhiều việc: đấu nối cả dàn âm thanh 7 thớt, 6 loa, TV cùng các loại dây dợ lằng nhằng để hát karaoke; đầu video chạy lâu ngày bám bụi, bé lấy tuốc-nơ-vít vặn ra lau lau chùi chùi, xong xuôi lắp lại nguyên vẹn, chẳng thiếu một con ốc; chưa đầy 5 tuổi, bé đã vắt vẻo trên chiếc xe đạp to đùng, đạp nhoay nhoáy. Muốn con gái được hưởng một tuổi thơ trọn vẹn, tôi không cho bé học trước nhưng bé cứ nằng nặc đòi ba chở đi mua cuốn vần lớp một rồi biến mẹ thành cô giáo bất đắc dĩ. Dạy chưa hết cuốn vần tập một, tôi sinh con thứ hai, bé mày mò tự học tiếp rồi đọc được cả bộ truyện Đô-rê-mon trước khi vào lớp 1.

5 năm học tiểu học, bé luôn đứng ở tốp 3. Người thân, bạn bè, hàng xóm ai cũng mừng cho tôi và khẳng định bé sẽ làm nên sự nghiệp. Sự nghiệp là chuyện lâu dài, nhưng nhìn bé mỗi ngày mỗi lớn, khỏe mạnh, thông minh, lanh lợi, tôi vô cùng tự hào và hạnh phúc nhưng không hiểu sao trong lòng cứ canh cánh một nỗi lo lắng mơ hồ…
Ảnh minh họa

(Ảnh minh hoạ: internet)
2- Lên lớp 6, bé tự đạp xe đến trường, tôi đỡ vất vả hơn nhưng cũng lúc ấy nhận ra vì sao mình lo lắng (?) Nào là bé có an toàn trên đường đến trường không? Bạn bè bé có tốt không? Liệu bé có bị kẻ xấu dụ dỗ đến những nơi nguy hiểm, tệ nạn không?...Con gái càng lớn, nỗi lo lắng trong tôi càng nhiều. Lúc đó tôi mới thấm thía câu cằn nhằn ngày xưa của mẹ. Con gái tôi hiền lành, thật thà, ngây thơ, thảo tính, đó vừa là ưu điểm vừa là nhược điểm của bé. Bởi lẽ: những đức ấy tuy tốt nhưng chỉ là ở trong môi trường thuần chất, lành mạnh, ngoài xã hội lắm chuyện nhiễu nhương, nhiều lừa lọc, tính cách ấy rất dễ bị lợi dụng. Và điều tôi lo sợ cũng xảy ra…

Khi máy vi tính mới du nhập vào nước mình, chồng tôi mua một bộ và bé là người đầu tiên mày mò sử dụng. Thấy con còn bé đã say mê tin học, tôi cho bé đi học một lớp căn bản. Từ đó bé làm đủ trò trên máy rồi năm nào cũng khoác áo đội tuyển đi thi tin học trẻ của ngành. Tiếp đến là Internet. Lúc khái niệm Internet bắt đầu được nhắc đến ở nước ta (hồi ấy vẫn chưa có Internet), tôi viết một bài về Intranet. Đã cẩn thận hỏi đi hỏi lại cô kỹ sư tin học khái niệm này và nhờ giải thích sự khác biệt giữa Intranet và Internet, báo phát hành, tôi phát tức vì tất cả “Intra” bị người biên tập sửa hết thành “Inter”. Lúc đó mọi người đều mù mờ với khái niệm này. Thế mà Internet vừa “nhập cảnh” Việt Nam, con gái tôi đã vào ra nhoay nhoáy. Vì mù mờ nên tôi để mặc con mà không biết Internet là con dao hai lưỡi, lắm trò hay nhưng cũng không ít hiểm họa. Cho đến một ngày…

Khuya lắm, gần một giờ rồi mà phòng con gái vẫn còn ánh sáng. Nghĩ con ngủ  quên, tôi nhè nhẹ đi sang định tắt đèn. Đang lách cách gõ bàn phím thấy mẹ vào, bé giật mình hoảng hốt. Liếc nhanh màn hình, tôi đọc được mấy dòng con viết và đoán ngay đó là nội dung email gửi cậu bạn trai nào đó. Tôi ra lệnh cho con gái đứng dậy nhưng không được tắt máy. Bé chần chừ kéo dài thời gian để tìm cách “phi tang” nhưng ánh mắt nghiêm khắc của tôi đã dập tắt ngay ý định đó.

Tôi ngồi xuống vừa rê chuột để đọc email, bỗng nhiên màn hình tối đen. Quay lại hỏi con gái tại sao, bé “ngây thơ” lắc đầu: “Con không biết ạ. Chắc máy hỏng rồi mẹ ạ”. Tôi ra lệnh hãy làm màn hình sáng lại. Lệnh của tôi vô hiệu. Con gái tôi chưa bao giờ nói dối nên khi biết con nói dối tôi nghĩ vấn đề rất nghiêm trọng và quyết tâm tìm cho ra.

Đêm đã khuya, không thể gọi mấy người bạn thân giỏi tin học đến trợ giúp, tôi đành mầy mò một mình. Mồ hôi tuôn đầm đìa nhưng sau nửa tiếng tôi đã biết máy tắt đột ngột là do dây nguồn bị rút khỏi ổ cắm điện. Cắm dây nguồn vào, tôi khởi động lại máy. Việc này dễ ợt vì từ lâu tôi đã dùng vi tính thay cho giấy bút để viết bài. Song, tôi chưa bao giờ dùng Internet. Ra lệnh cho con gái làm việc này là điều bất khả thi, vả lại tôi cũng muốn chứng minh cho bé biết rằng: KHÔNG CÓ VIỆC GÌ MẸ KHÔNG LÀM ĐƯỢC.

Hồi ấy chỉ có dịch vụ  VNN1260 của VNPT. Dịch vụ mới, khách hàng đếm trên đầu ngón tay nên bàn dân thiên hạ vẫn hết sức mù mờ. Cánh nhà báo cũng chẳng hơn gì, đại đa số chưa từng mục sở thị. Ấy vậy mà hễ thấy khách hàng khiếu nại việc phát sinh cước quốc tế là nhoay nhoáy viết bài choảng VNPT rồi kết tội lừa đảo, chiếm đoạt tiền của khách hàng. Tôi cũng cũng từng viết bài về vấn đề này nhưng cẩn thận đến Trung tâm Tin học tìm hiểu từng thuật ngữ, xem họ demo các chương trình phát sinh cước quốc tế cho đến khi hiểu rành rẽ mọi chuyện mới dám viết. Khi viết bài thì…biết tuốt, lúc thực hành sao khó thế, hoàn toàn mù tịt. Không chịu thua, tôi kiên trì nhấp chuột vào tất cả các biểu tượng trên màn hình, cuối cùng cũng nghe được tiếng quay của modem. Khó khăn khác lại nảy sinh vì tôi chưa bao giờ sử dụng email. Bấm tới bấm lui, bấm xuôi bấm ngược cũng chẳng biết cái gọi là email ấy nó ở chỗ nào. Tuy nhiên, đó không phải là điều khó khăn nhất bởi vì lúc đã vào được trang web của Yahoo, phần đăng nhập email bắt gõ nickname và password. Nản kinh khủng! Mắt mỏi nhừ, người ê ẩm, tôi muốn bỏ cuộc nhưng như vậy khó có thể bắt con gái “Tâm phục, khẩu phục”, đồng thời cũng không giúp được bé tránh khỏi cạm bẫy…

Trước mặt tôi là cả đống giấy trắng và chục chiếc bút bi. Tên, ngày tháng năm sinh các thành viên trong gia đình, những cuốn sách, những bản nhạc, những bộ phim, những ca sĩ và các nhân vật bé thích…được tôi liệt kê hết. Đổi tới đổi lui, đổi xuôi đổi ngược, ghép lung tung các ký tự, con số…tê hết cả tay, mờ cả mắt nhưng tôi vô cùng sung sướng vì đến gần sáng một người mù tin học tuyệt đối như tôi đã vào được email của con.

Niềm vui sướng thành công ngay tức khắc bị xóa sạch bằng nỗi hoảng sợ khi tôi đọc được email trao đổi giữa con gái và kẻ trên mạng. Trời ơi! Chẳng cần kinh nghiệm của nhà báo tôi cũng ngửi được mùi lừa đảo. Không phải con gái tôi hư mà do bé muốn ra tay nghĩa hiệp giúp đỡ bạn bè. Tôi choáng váng. Biết bao nhiêu vụ án đau lòng đã xảy ra bởi mạng Internet, các vị phụ huynh coi Internet như kẻ thù và tôi không ngoại lệ.

Sự thật đã rõ, song con gái  tôi vẫn phản ứng vì cho rằng kẻ trên mạng kia rất đáng thương, cần được giúp đỡ… May quá, trong một email có địa chỉ của hắn, tôi lặn lội xuống tận Hải Dương tìm hiểu. Đúng như dự đoán, đó là một đối tượng lêu lổng, trộm cắp chuyên lên mạng để lừa đảo những cô bé khờ khạo. Trở về, sau khi quẳng cho con gái xem tập hồ sơ về tên lừa đảo kia, tôi đổi số điện thoại và xử phạt bé rất nặng. Biết sai, bé không dám phản ứng và ngoan ngoãn chấp nhận hình phạt.

Mọi chuyện thế là xong. Tôi thở phào nhẹ nhõm và vô cùng tự hào với chiến tích của mình, tự hào vì sự hiểu biết đã giúp tôi ngăn ngừa được mối hiểm họa khủng khiếp cho con. Đồng thời tôi cũng  rất yên tâm vì tin rằng bé đã hoàn toàn thần phục mẹ. Cho đến một ngày… 


Tình cờ tôi đọc được nhật ký của con gái…

Vẫn biết con gái ghi nhật ký và  cuốn sổ luôn được khóa cẩn thận. Song, cho dù bé không khóa thì tôi cũng tôn trọng, chẳng bao giờ dòm ngó góc riêng tư của con. Nhưng một hôm bé để nhật ký “tơ hơ” trên bàn và tôi không thể kiềm chế được sự tò mò. Mới đọc được vài dòng tôi đã sốc và ngã vật ra giường, nức nở, uất ức. Nhật ký của bé đầy những lời oán hận mẹ. Trời ơi, đứa con tôi mang nặng đẻ đau, thương yêu tới mức sẵn sàng hy sinh cả tính mạng sao lại dám oán hận tôi? Tôi không hiểu nổi, không hiểu nổi. Tôi thề rằng lúc đó con gái mà đứng trước mặt, tôi sẽ ăn tươi nuốt sống bé ngay.

Đau đớn, tủi cực, uất ức tôi chỉ biết khóc và khóc. Không thể giãi bày nỗi đau đớn với ai, tôi càng khóc nhiều hơn, đầu đau như búa bổ. Khóc chán, tôi lục tung phòng con gái, cào bới sách vở, quần áo lên để tìm “bằng chứng” và đã tìm được một cuốn nhật ký nữa cất kỹ dưới gầm tủ. Cuốn nhật ký ấy là của cô bé tên Thủy. Cuốn nhật ký ấy khiến tôi kinh hoàng bởi sự thóa mạ, căm thù đối với người đã sinh ra cô bé. Đại từ nhân xưng Thủy dùng để gọi cha mẹ là lão và mụ. Cô bé ước sao “mình không phải là con của hai con người thấp hèn ấy”. Tôi biết bố mẹ bé Thủy. Họ hiền lành, chân chất và rất mực thương yêu con. Dù kinh tế eo hẹp, họ vẫn rất chiều con, hàng ngày đưa đón con đi học và đáp ứng mọi thứ Thủy cần. Sao cô bé lại căm thù? Thật không thể hiểu nổi.

Tôi bóp đầu suy nghĩ rất lâu sau đó quyết định đi công tác dài ngày để kiềm chế cơn nóng giận và có thêm thời gian suy nghĩ về tất cả mọi chuyện. 



Ảnh minh họa
(Ảnh minh hoạ: internet)
 


Tôi dành toàn bộ thời gian của chuyến công tác đi gặp những bé gái tầm tuổi con tôi để trò chuyện. Không hiểu vì sao những cô bé không quen biết ấy lại tin tưởng và tâm sự với tôi rất nhiều chuyện, trong đó có cả những chuyện bất đồng với cha mẹ. Tôi nhận ra rằng các cháu không hề nhỏ dại như mình tưởng và người lớn thì vì quá lo cho con nên đã áp đặt một cách vô lý và hà khắc. Có bé ôm lấy tôi và ước ao “giá mẹ cháu tâm lý như cô”. Tôi vừa cảm động, vừa xấu hổ trước sự tin tưởng ấy. Tôi có khác gì cha mẹ các cháu đâu, cũng áp đặt, rất hà khắc và luôn cho mình đúng…

Hóa ra cái sự oán hận cha mẹ cũng không phải là điều gì kinh khủng lắm, tất cả đều rất yêu nhau nhưng lệch tuổi dẫn đến lệch pha, không hiểu được nhau. Các bé đang ở lứa tuổi tâm lý nhiều xáo trộn, dễ thay đổi, dở dở ương ương, chẳng ra khôn chẳng ra dại, đáng lẽ cha mẹ phải trở thành bạn của con để chia sẻ những bất ổn thì vì quá yêu con, quá lo lắng cho con, muốn bảo vệ con mà nghiêm khắc tới mức hà khắc và vô tình trở thành đối lập với con lúc nào không hay.

Thật may, không quá muộn để  tôi nhận ra điều này. Trở về, tâm trạng tôi hoàn toàn thay đổi. Dẹp bỏ tự ái và tổn thương, tôi ôm con gái vào lòng rồi thủ thỉ: “Để con oán hận là lỗi của mẹ, không phải lỗi của con. Mẹ luôn ra lệnh mà chẳng cần biết con nghĩ gì. Hãy tha lỗi cho mẹ. Dù rất khó khăn nhưng mẹ sẽ sửa, sẽ thay đổi”. Con gái tôi chẳng nói gì, bé chỉ ôm mẹ thật chặt và nức nở…

Sau ngày ấy, mọi chuyện cũng không phải đã ổn ngay, vẫn rất nhiều bất đồng xảy ra nhưng tôi và con gái đã cố gắng kiềm chế để nhìn nhận mọi việc một cách thật bình đẳng. Đồng thời, tôi bắt đầu đọc tất cả những gì con gái đọc, xem tất cả những gì con gái xem, ăn và chơi theo con gái, thậm chí thừa nhận và sẵn sàng học  từ bé những điều mình không biết…

Trải qua bao nhiêu vất vả, căng thẳng, cuối cùng mẹ con tôi đã thật sự trở thành bạn của nhau. Bé có thể thoải mái tâm sự với tôi mọi chuyện, kể cả những chuyện riêng tư, thầm kín và nhờ tôi tư vấn khi gặp rắc rối. Điều mừng nhất là sau một thời gian bị chi phối bởi những thứ vô bổ trên mạng, bé đã biến nó thành công cụ hữu ích để trao đổi chuyện học hành với bạn bè. Kết quả: nhờ Internet mà con gái tôi đã tự mình tìm được học bổng du học Mỹ…

Đứa con gái bé bỏng ngày nào của tôi giờ đã là thạc sĩ kinh tế. Nhiều người nhìn cách mẹ con tôi vui đùa với nhau như bạn bè rất ngạc nhiên, thậm chí là ngưỡng mộ. Nhưng để có được tình bạn giữa mẹ và con thật không đơn giản. Tôi đã trải qua không ít sự vật vã, đắng chát, đớn đau
. Chặng đường trước mặt con gái tôi còn dài lắm, chẳng thể nói trước được điều gì, tôi chỉ dặn bé: “Là con người ai cũng có nhược điểm, cũng sẽ nhiều lần sai lầm, vấp ngã và mẹ không ngoại lệ, thậm chí có khi còn nhiều nhược điểm hơn các con. Song, quan trọng là biết nhận ra để hoàn thiện bản thân, chính điều đó mới làm nên nhân cách tốt”.

0 comments:

Post a Comment