Có nhiều luận thuyết, cách phân chia về các hiện hữu của vũ trụ hữu hình, vô hình.
Có thuyết chia thành 9 tầng tương ứng với 9 thừa,
Có thuyết chia thành 7 tầng ứng với 7 Luân Xa,
Có thuyết chia thành 13 tầng. (Về con số 13 thì trên tờ 1 đô la của Mỹ có rất nhiều biểu tượng có con số 13 này, có trường phái quan niệm con số 13 là siêu vượt lên mọi khái niệm âm dương của 12 con giáp, 12 nhân duyên, 12 tháng… Bên cạnh đó, trong Phật pháp có nhiều luận điểm về con số 13 – tương ứng với sau 49 ngày thành đạo của Đức Phật vì tổng 49 là 13; một luận điểm khác là cảnh giới A Tu La – cảnh giới Bán thần có trên dưới 120 bậc, được chia thành 13 tầng để gọi Chư Thần Giáng Nhập. Bậc 13 là A Tu La Vương – Vua Cõi A Tu La, thường do các Đại Bồ Tát thị hiện giáo hóa),
Có thuyết chia thành 5 tầng thế giới,
Có thuyết chia thành 3 Cõi lớn là: Dục Giới, Sắc Giới và Vô Sắc Giới v.v…
Ở đây trình bày 1 cách phân chia thế giới vũ trụ vô hình, hữu hình gồm có 3 cõi lớn là: Dục Giới, Sắc Giới và Vô Sắc Giới.
Trong 3 Cõi Lớn này lại chia thành 5 thế giới lớn. Các cảnh giới này biến hiện ra là do tâm thức, nghiệp lực của mỗi đối tượng trong sự đa dạng, phong phú vô cùng của Tâm.
Thế giới thứ 1: Gọi tắt là A Tu La thực chất gồm 5 cảnh: Người (thế giới hữu hình vật chất mà chúng ta vẫn nhìn thấy), Atula (thế giới vô hình, đặc điểm là thiện ác lẫn lộn, phước lớn như cõi Trời nhưng lòng đố kỵ, thù hận vẫn còn, chỗ thấp thì tin tà giáo làm hại người khác, ích kỉ, chấp trước, giận dữ, dở dở ương ương, lúc tốt thì rất tốt, lúc xấu thì rất xấu, quan điểm, chính kiến chưa rõ ràng), Súc sinh thú vật (đặc điểm mê mờ, không lí trí), Ngạ quỷ (đặc điểm tham lam, thèm khát), Địa Ngục (đặc điểm ác độc, thâm hiểm).
Thế giới thứ 2: Còn lòng Dục nhưng không còn ác tâm, ác việc nữa, là thế giới thuần thiện. Gồm 6 cõi Trời: Tứ Thiên Vương Thiên, Đao Lợi Thiên (trong Đao Lợi gồm 33 nước trời nhỏ, vua cõi này là Indra Đế Thích hay dân gian gọi là Ngọc Hoàng), Dạ Ma Thiên hay Tu Diệm Ma Thiên, Đâu Xuất Đà Thiên (cõi này do Bồ tát Di Lặc làm chủ), Hóa Lạc Thiên và Tha Hóa Tự Tại Thiên (cõi này do Thiên Ma làm chủ – thực chất là bậc Bồ Tát Thất Địa – Viễn Hành Địa thị hiện để thử thách, giáo hóa (Địa thứ 7 trong 10 Địa (thập địa) cuối cùng trước khi bước lên Đẳng Giác, Diệu Giác – Quả vị Phật Vô Thượng Bồ Đề. Để tới Phật quả Vô Thượng Bồ Đề phải trải qua 55 bậc Bồ tát: Thập Tín, Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Tứ Gia Hạnh và Thập Địa. Quả vị Phật tiểu thừa như Bích Chi Phật hay A la hán thì không theo trình tự 55 bậc này).
(Thế giới 1 và 2 trong tu tập có đặc điểm là còn lòng Dục, ham muốn thô nên gọi chung là cõi Dục Giới. Riêng 6 cõi Trời thì giữ được 10 điều thiện trong đời được sinh lên là: Không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không nói thêm bớt, không nói hai chiều, không nói lời ác, không tham lam, không giận dữ, không si mê. Các cõi này đều chưa thiền định).
Thế giới thứ 3: Còn hình sắc nhưng hoàn toàn không còn lòng dục. Vì không còn ác tâm và không còn lòng dục nên được gọi là cõi Phạm hạnh. Người tu giữ trọn vẹn Ngũ giới: Không sát sinh, Không trộm cắp, Không tà dâm, Không Nói Dối, Không Say Nghiện và thực hành Thiền định mới lên được cõi này. Gồm 18 cõi Trời Sắc Giới, ứng với 4 cấp độ của Thiền. Đó là các cõi Trời:
- Sơ Thiền: Phạm Chúng Thiên, Phạm Phụ Thiên,
- Nhị Thiền: Đại Phạm Thiên (Brahma), Thiểu Quang Thiên (Vishnu), Vô Lượng Quang Thiên (Shankar), Quang Âm Thiên (Cõi này là quê hương của loài người – một không gian tĩnh lặng ngập tràn ánh sáng làm thể viên mãn – vua Trời là Đại Tự Tại Thiên (Shiva)
- Tam Thiền: Thiểu Tịnh Thiên, Vô Lượng Tịnh Thiên, Biến Tịnh Thiên,
- Tứ Thiền: Phước Sinh Thiên, Phước Ái Thiên, Quảng Quả Thiên cộng với 5 cõi được gọi là Ngũ Tịnh Cư là: Vô Phiền Thiên, Vô Nhiệt Thiên, Thiện Kiến Thiên, Thiện Hiện Thiên, Sắc Cứu Cánh Thiên,
Thế giới thứ 4: gọi là Cõi Vô Sắc Giới gồm 4 cõi Trời không hình tướng, không còn cảnh và thức tâm trong thiền. Cái Không ở đây không phải là vô tri vô giác như gỗ đá theo cách hiểu thông thường. Không tưởng mà vẫn sáng suốt như tấm gương lớn, thấu tỏ mọi điều. Cõi này ứng với các cấp Thiền:
- Ngũ Thiền: Không Vô Biên Xứ Thiên,
- Lục Thiền: Thức Vô Biên Xứ Thiên,
- Thất Thiền: Vô Sở Hữu Xứ Thiên,
- Bát Thiền: Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Thiên,
Thế giới thứ 5: Vượt thoát Tam Giới – gồm các cõi Phật Thanh Tịnh, Trang Nghiêm thù thắng vi diệu, nhiều tài liệu mô tả cảnh giới này là thừa thứ 9 hay Cửu Thiền. (Thiền không chỉ có nghĩa là ngồi Thiền mà chỉ trạng thái Thiền).
Vậy, cách phân chia này chia thế giới vũ trụ quan hữu hình và vô hình tổng cộng gồm 33 cõi là: 5 cõi Khổ và 28 cõi Trời.
Siêu vượt lên khỏi 33 cõi này là Cõi Niết Bàn Linh Thánh (Nirvana) là con đường Đức Phật và Chư Phật 10 phương đi qua. Và từ lòng Từ Bi các Ngài xoay chuyển bánh xe Chính Pháp chỉ dẫn con đường này cho những ai muốn vĩnh viễn thoát khỏi khổ đau và sự ràng buộc của Sinh Tử Luân Hồi! Cõi siêu vượt này gọi là Cõi cho dễ hình dung nhưng thực chất vượt lên khỏi mọi khái niệm, hình tướng, định nghĩa!
Con đường tìm về chính mình là nhớ ra và trở về với cái tôi thật của mình là: Chân Tâm, Phật Tính, Chân Ngã – Nguồn Tính Không chiếu diệu trong suốt khắp 10 phương, lúc này là chúng ta làm chủ được Sinh Tử Luân Hồi và đắc quả Phật tiểu thừa là A La hán hoặc Bích Chi Phật!
Khi tìm được chính mình rồi, trí huệ phát hiện ra Chân Tâm, Phật Tính, Chân Ngã ngoài tính Không chiếu diệu còn có 1 tính chất nữa là Niết Bàn Diệu Tâm, tức là Không nhưng lại sáng tỏ hết mọi điều và từ đó sáng tạo nên mọi diệu dụng muốn sinh khởi. Điều này chính là câu nói thuộc vào trí tuệ Bát nhã, một trong những giáo lý khó nhất để hiểu, để ngộ và quan trọng là để chứng của Phật pháp là: Có là Không, Không cũng là Có (Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc) thì hành giả có ý nguyện phát Bồ Đề Tâm giúp đỡ những chúng sinh khác đạt được Niết Bàn Giải Thoát thì từ Chân Tâm, Phật Tính, Chân Ngã này phát sinh các diệu dụng vi diệu để trở lại 3 cõi hóa độ chúng sinh, làm tròn Phật Quả Vô Thượng Bồ Đề!
Hành trình chỉ có vậy, nói dễ nhưng làm mới nên chuyện!
Chúc hành trình của bạn tràn đầy ân phước và may mắn!
P/s: Tu tập thường có khái niệm không phân biệt. Đã không phân biệt sao còn có phân chia thì ở đây phải gẫy gọn, rõ ràng.
Không phân biệt hàm ý chỉ vào bên trong mỗi người đều bình đẳng, gần thì ”Máu ai cũng đỏ, Nước mắt ai cũng mặn”, ai cũng có Khổ Đau, Sung Sướng, Mơ Ước Hi Vọng, Mưu Cầu Hạnh Phúc, Mưu Cầu Sống như nhau mà 1 nhà tâm lý đã nói: Những cái gì riêng tư nhất lại là cái chung nhất!
Sâu xa của sự không phân biệt là ai ai cũng đều có Chân Tâm, Phật Tính, Chân Ngã bình đẳng chiếu diệu ở lớp bên trong của cái bên ngoài như thể xác, danh tính v.v…
Vậy bên trong sâu xa thì giống nhau, nhưng bên ngoài thì vẫn có khác trong nhận thức của cao thấp, xấu đẹp, sáng tối v.v… (Dẫu sai khác này là ảo ảnh, huyễn hóa của nhận thức, của tâm vọng tưởng và nghiệp thức nghiệp quả). Những người chấp Không quá (không phân biệt, cái gì cũng cho là như nhau…) thì thường gặp các trở ngại trong cuộc sống đời thường, sống với tập thể hay có mâu thuẫn; những người chấp Có quá thì thường cản trở và dễ gặp chướng ngại trên đường Đạo, cụ thể là các phiền não chướng, sở tri chướng làm cản trở cái nhìn chân thật về Chân tâm, Phật tính.