Khg thể nào làm vừa lòng hết tất cả mọi người
Đức Phật dạy rằng các đối tượng của các giác quan của chúng ta là một cái bẫy - một cái bẫy của Ma Vương
Hãy có sự hiểu biết hỗ tương và tôn trọng lối sống của nhau.
Xả bỏ
Làm bất cứ việc gì cũng với tâm xả bỏ. Đừng kỳ vọng sự đền đáp hay tán dương. Nếu xả bỏ một ít sẽ có một ít bình an. Nếu xả bỏ nhiều sẽ được nhiều bình an. Nếu xả bỏ hoàn toàn sẽ được bình an hoàn toàn và cuộc tranh đấu với thế gian này đi đến chỗ chấm dứt.
Khi Tham, Sân, Si xuất hiện, chỉ có Bát Chánh Đạo mới đủ khả năng tiêu diệt chúng.
Đạo và phiền não hoạt động song hành. Người học giáo pháp phải luôn luôn hài lòng với cả hai. Giống như trường hợp hai người đánh nhau. Khi Đạo nắm quyền điều khiển thì Đạo sẽ giúp sức cho chánh niệm. Nếu bạn duy trì được chánh niệm thì phiền não sẽ nhận phần thất bại khi nó muốn tái chiến. Nếu sự tinh tấn của bạn đi theo đường Đạo, nó sẽ tiếp tục diệt trừ phiền não. Nếu Đạo yếu, phiền não sẽ chiếm ưu thế, lúc ấy tham ái, si mê và lo âu sẽ hiện khởi. Đau khổ chỉ phát sinh khi Giới, Định, Tuệ yếu.
Thực ra muốn thực hành giới ta phải bắt đầu bằng trí tuệ.
Khởi đầu, chúng ta phải xem xét thân thể và ngôn ngữ của chúng ta, tìm hiểu tiến trình nhân quả. Khi quan sát thân thể và lời nói để thấy phương cách chúng ta gây ra tai hại, bạn sẽ bắt đầu hiểu, kiểm soát và trong sạch hóa nhân quả.
Nếu bạn biết được thế nào là hành động và ngôn ngữ bất thiện, thế nào là hành động và ngôn ngữ thiện, bạn đã biết được cách thực hành để "khử ác vi thiện" (bỏ ác làm lành). Khi bạn bỏ ác làm lành, tâm bạn sẽ ổn định và tập trung. Sự định tâm này chế ngự được dao động và hoài nghi. Với tâm tĩnh lặng này, bạn có thể quan sát và thấy rõ hình sắc và âm thanh khi chúng xuất hiện. Nhờ không để tâm phóng đi nơi khác, bạn sẽ thấy rõ bản chất của mọi diễn biến đúng theo chân lý. Khi sự hiểu biết này trực tiếp, trí tuệ sẽ phát sinh.
Khi Tham, Sân, Si xuất hiện, chỉ có Bát Chánh Đạo mới đủ khả năng tiêu diệt chúng.
Đạo và phiền não hoạt động song hành. Người học giáo pháp phải luôn luôn hài lòng với cả hai. Giống như trường hợp hai người đánh nhau. Khi Đạo nắm quyền điều khiển thì Đạo sẽ giúp sức cho chánh niệm. Nếu bạn duy trì được chánh niệm thì phiền não sẽ nhận phần thất bại khi nó muốn tái chiến. Nếu sự tinh tấn của bạn đi theo đường Đạo, nó sẽ tiếp tục diệt trừ phiền não. Nếu Đạo yếu, phiền não sẽ chiếm ưu thế, lúc ấy tham ái, si mê và lo âu sẽ hiện khởi. Đau khổ chỉ phát sinh khi Giới, Định, Tuệ yếu.
Thực ra muốn thực hành giới ta phải bắt đầu bằng trí tuệ.
Khởi đầu, chúng ta phải xem xét thân thể và ngôn ngữ của chúng ta, tìm hiểu tiến trình nhân quả. Khi quan sát thân thể và lời nói để thấy phương cách chúng ta gây ra tai hại, bạn sẽ bắt đầu hiểu, kiểm soát và trong sạch hóa nhân quả.
Nếu bạn biết được thế nào là hành động và ngôn ngữ bất thiện, thế nào là hành động và ngôn ngữ thiện, bạn đã biết được cách thực hành để "khử ác vi thiện" (bỏ ác làm lành). Khi bạn bỏ ác làm lành, tâm bạn sẽ ổn định và tập trung. Sự định tâm này chế ngự được dao động và hoài nghi. Với tâm tĩnh lặng này, bạn có thể quan sát và thấy rõ hình sắc và âm thanh khi chúng xuất hiện. Nhờ không để tâm phóng đi nơi khác, bạn sẽ thấy rõ bản chất của mọi diễn biến đúng theo chân lý. Khi sự hiểu biết này trực tiếp, trí tuệ sẽ phát sinh.
Giới, Định, Tuệ tạo nên Đạo. Nhưng Đạo không phải là Chân Pháp, không phải là mục tiêu. Đạo chỉ là con đường dẫn đến mục tiêu. Như bạn muốn đi từ Bangkok đến thiền viện Wat Pah Pong chẳng hạn. Con đường rất cần thiết cho hành trình của bạn, nhưng mục tiêu của bạn là thiền viện, chứ không phải con đường. Cũng thế ấy, chúng ta có thể nói rằng Giới, Định, Tuệ ở ngoài giáo pháp của Đức Phật, nhưng là con đường dẫn đến chân lý này. Khi bạn phát triển ba yếu tố này, kết quả sẽ là sự bình an kỳ diệu nhất. Trong sự bình an này, hình sắc và âm thanh không còn đủ sức mạnh để quấy nhiễu tâm bạn. Bạn không còn gì phải làm nữa. Bởi vậy, Đức Phật dạy chúng ta phải vất bỏ hết những gì đang nắm giữ không chút ngần ngại. Được thế, bạn sẽ tự mình hiểu được sự bình an này và không còn phải dựa vào một ai khác.
Tuy nhiên, không nên vội đo lường sức tiến bộ của mình. Chỉ cần thực hành mà thôi. Ngoài ra, nếu mỗi khi tâm bạn an tịnh, bạn lại hỏi: "Phải đây không?" thì mọi nỗ lực đều tiêu tan. Không có dấu hiệu gì để nhận thật sự tiến bộ của bạn, như dấu hiệu, "Đây là con đường đên Thiền viện Wat Pah Pong." Hãy vứt bỏ mọi tham ái và kỳ vọng, hãy nhìn thẳng vào hướng đi của tâm.
Hãy tìm hiểu chính thân tâm của bạn, bạn sẽ hiểu người khác. Gương mặt, cử chỉ, hành động của một người phát xuất từ trạng thái tâm của người ấy. Đức Phật có thể đọc được chúng bởi vì Ngài có kinh nghiệm và nhìn thấy với trí tuệ trạng thái tâm làm căn bản cho những biểu lộ ấy. Cũng như một người già lão luyện đã trải qua thời thơ ấu hiểu rõ tâm lý trẻ con.
Sự "tự tri" này khác với trí nhớ. Người già có thể bên trong rất sáng, nhưng bên ngoài có vẻ lờ đờ. Đọc sách để học hỏi đối với họ rất khó khăn vì họ quên tên, quên mặt, v. v. Có thể họ biết rõ ràng họ cần một cái thau, nhưng vì trí nhớ kém, họ nói lấy cho họ một cái ly.
Nếu bạn thấy tình trạng sinh diệt trong tâm và không dính mắc vào tiến trình, để trôi qua cả hạnh phúc lẫn đau khổ thì sự tái sinh của tâm sẽ ngắn dần, ngắn dần. Để cho chúng trôi qua, dù bạn có rơi vào địa ngục đi nữa cũng đừng lo lắng thái quá, bởi vì bạn biết rằng địa ngục cũng vô thường. Hành thiền đúng đắn thì bạn sẽ thản nhiên nhìn nghiệp cũ diễn ra và tiêu dần. Hiểu biết cách sinh diệt của sự vật, bạn chỉ cần tỉnh thức, chánh niệm rồi để chúng tự nhiên trôi chảy theo dòng của chúng. Cũng như trường hợp có hai cội cây. Nếu bạn vun phân tưới nước cho một cây và bỏ mặc cây kia thì chẳng cần thắc mắc tại sao một cây lên tốt, còn một cây thì èo uột.
Để mặc người ta
Đừng tìm lỗi người. Nếu cách cư xử của họ sai lầm, bạn cũng chẳng cần làm khổ mình mà chi. Nếu khi bạn chỉ cho họ thấy sai lầm của họ mà họ vẫn không sửa đổi, hãy để yên như thế.
Đức Phật đã từng theo học với nhiều thầy. Ngài thấy phương pháp của thầy thiếu sót, nhưng Ngài không dèm pha hay làm thầy mất thể diện. Nhờ học hỏi với thái độ khiêm nhường và tôn trọng nên Ngài thâu thập lợi ích trong khi sống với các thầy. Thật vậy, học với họ Ngài mới biết hệ thống của họ chưa hoàn hảo. Lại nữa, khi Ngài thành đạo, Ngài không chỉ trích hay tìm cách dạy lại họ. Sau khi giác ngộ, Ngài kính cẩn nhớ lại những vị thầy Ngài đã theo học và muốn chia xẻ với họ sự hiểu biết mà Ngài mới tìm ra.
Tình yêu thật sự
Tình yêu thật sự là trí tuệ. Tình yêu như phần lớn mọi người nghĩ chỉ là một cảm giác tạm. Có một món ăn thật ngon, nhưng nếu mỗi ngày bạn đều ăn như thế, chẳng bao lâu bạn sẽ chán lên tận cổ. Cũng thế, tình yêu đó cuối cùng đi đến thù hận và phiền muộn. Hạnh phúc thế gian bao gồm tham ái và luôn luôn dính liền với đau khổ. Thật vậy, đau khổ theo sau hạnh phúc thế gian như cảnh sát theo sau tên trộm.
Tuy thế, chúng ta không thể loại bỏ hay ngăn trở loại cảm giác này. Chúng ta không nên dính mắc hay đồng hóa với chúng mà chỉ cần biết chúng là gì, sau đó Pháp sẽ có mặt. Một người yêu một người khác rồi cuối cùng người yêu ra đi hay lìa đời. Than khóc hay nhớ tưởng lâu dài, nắm giữ cái đã thay đổi là đau khổ chứ không phải là tình yêu. Khi chúng ta thể nhập chân lý, không còn cần hay muốn nữa, trí tuệ và tình yêu thật sự sẽ lấn át tham ái và tràn ngập thế gian.
Học hỏi qua cuộc sống
Buồn chán không phải là chuyện thật. Nếu nhìn gần, chúng ta sẽ thấy tâm luôn luôn hoạt động. Như vậy ta luôn luôn có việc để làm. Hãy nương tựa vào chính mình để làm công việc lặt vặt trong nhà như dọn dẹp sạch sẽ sau khi ăn, làm công việc trong nhà một cách thận trọng và chánh niệm, không khua chén bát, không đóng sầm cửa. Những việc lặt vặt này giúp bạn tiến hành định tâm và khiến cho việc hành thiền dễ dàng hơn. Chúng cũng có thể chứng tỏ rằng bạn thật sự có chánh niệm hay vẫn còn lạc lối trong phiền não.
Bạn, những người Tây phương, hay vội vã. Bởi thế bạn cũng sẽ có hạnh phúc, đau khổ và phiền não cực lớn. Nếu bạn hành thiền đúng đắn, việc đương đầu với nhiều vấn đề của bạn sẽ là nguồn gốc của trí tuệ thâm sâu sau này.
Xả bỏ
Làm bất cứ việc gì cũng với tâm xả bỏ. Đừng kỳ vọng sự đền đáp hay tán dương. Nếu xả bỏ một ít sẽ có một ít bình an. Nếu xả bỏ nhiều sẽ được nhiều bình an. Nếu xả bỏ hoàn toàn sẽ được bình an hoàn toàn và cuộc tranh đấu với thế gian này đi đến chỗ chấm dứt.
Đương đầu với tâm mình
Đạo, Quả và Niết Bàn không phải là chuyện ngẫu nhiên đạt được. Đạo, Quả, Niết Bàn phát sinh từ sự thực hành đúng, từ chánh tinh tấn, từ can đảm, dám tập luyện, suy nghĩ và bắt tay vào việc. Nỗ lực này bao gồm cả việc đối kháng hay đương đầu với chính tâm bạn.
Đức Phật dạy chúng ta đừng tin vào tâm vì nó phiền não, bất tịnh, không thể hiện Giới hạnh hay Pháp. Trong tất cả mọi cách thực hành khác nhau mà chúng ta chú tâm nỗ lực, chúng ta phải đối kháng lại con tâm này. Khi tâm bị đối kháng, nó trở nên nóng và âu sầu, lúc ấy chúng ta sẽ phân vân chẳng biết ta đi có đúng đường không. Vì sự thực hành bị phiền não tham ái xâm nhập nên chúng ta đau khổ đến nỗi có thể quyết định ngưng hành thiền nữa. Nhưng Đức Phật dạy chính đó là sự thực hành đúng đắn; phiền não này chớ không phải bạn, đang bùng cháy. Đương nhiên là việc hành thiền khó khăn chứ không phải dễ.
Nhiều nhà sư hành thiền chỉ tìm giáo pháp phù hợp với sách vở, kinh điển. Dĩ nhiên, vào thời kỳ học hỏi nghiên cứu, phải y cứ vào kinh điển. Nhưng lúc "chiến đấu" với phiền não, phải chiến đấu ngoài sách vở. Nếu căn cứ vào mô mẫu có sẵn, bạn không thể đứng vững trước quân thù. Kinh điển chỉ đưa một mô mẫu và có thể khiến bạn quên mình, bởi vì chúng đặt căn bản trên trí nhớ và khái niệm. Suy nghĩ theo khái niệm phát sinh ra ảo tưởng, mơ mộng viển vông, có thể đưa bạn lên thiên đàng hay xuống hỏa ngục, một nơi xa vời của tưởng tượng, vượt ra ngoài chân lý đơn giản nằm ngay trước mắt bạn.
Nếu chịu khó rèn luyện, trước tiên bạn sẽ nhận thấy rằng thân ẩn cư là điều quan trọng. Khi sống ẩn cư bạn có thể nghĩ đến lời khuyên của Ngài Sariputta về ba loại ẩn cư: thân ẩn cư, tâm ẩn cư, xa lánh phiền não cám dỗ ẩn cư. Ngài nói rằng: "Thân ẩn cư là nguyên nhân tạo nên tâm ẩn cư, và tâm ẩn cư là nguyên nhân phát sinh tị phiền não ẩn cư." Dĩ nhiên, khi tâm bạn yên tĩnh, bạn có thể sống bất kỳ nơi nào. Nhưng trong giai đoạn đầu tìm hiểu giáo pháp thì "Thân ẩn cư" có giá trị vô lường. Ngay hôm nay hay một ngày nào đó bạn hãy đi ra khỏi xóm làng, ngồi xuống. Hãy tập một mình. Bạn cũng có thể một mình leo lên đỉnh đồi cao đáng sợ. Rồi bạn sẽ bắt đầu hiểu rõ: nhìn vào chính mình thật sự sẽ như thế nào.
Đừng quan tâm đến việc có an tịnh hay không. Càng thực tập bạn càng tạo nên những nhân đúng và sẽ quen thuộc với những gì xẩy ra. Đừng sợ bạn sẽ không thành công, không đạt được sự an tịnh. Nếu nghiêm chỉnh thực hành, bạn sẽ trưởng thành trong Giáp Pháp. Ai tìm sẽ thấy. Chỉ người ăn mới no.
Chánh niệm
Thiền có hai loại: Thiền Chỉ và Thiền Quán (Thiền Định và Thiền Tuệ). Thiền Chỉ giúp cho hành giả được an tịnh. Thiền Quán, một mặt giúp phát triển tri giác về vô thường, khổ, vô ngã, một mặt là chiếc cầu để vượt qua ba con sông lớn này.
Dù có quan niệm thế nào về cuộc sống này, chúng ta cũng không nên tìm cách thay đổi chúng theo chiều hướng của mình ưa thích mà chỉ cần nhìn chúng, để chúng diễn biến một cách tự nhiên. Nơi nào có đau khổ, nơi đó cũng có con đường để thoát khỏi khổ đau. Thấy rằng cái gì có sinh có diệt thì có khổ đau, Đức Phật biết rằng phải có cái gì đó không sinh không diệt và không khổ đau.
Mọi phương pháp thiền đều có khả năng phát triển chánh niệm. Mục đích của chánh niệm là để thấy rõ chân lý tiềm tàng. Với chánh niệm, bạn quan sát mọi ước muốn khởi dậy trong tâm -- yêu và ghét, lạc thú và khổ đau. Khi nhận chân được đặc tính vô thường, khổ và vô ngã của chúng, bạn hãy để chúng tự nhiên. Bằng cách này, trí tuệ sẽ thay chỗ cho khổ đau, và hiểu biết sẽ thay thế cho hoài nghi.
Mặc dù đề mục thiền nào cũng giúp phát triển trí tuệ, nhưng chính bạn phải lựa chọn đề mục thích hợp với mình. Chánh niệm là biết được những gì ngay trong hiện tại, ghi nhận và tỉnh thức. Hiểu biết thấu đáo rõ ràng phạm vi hoàn cảnh của đối tượng xuất hiện. Khi chánh niệm đi liền với giác tỉnh thì trí tuệ sẽ luôn luôn xuất hiện để giúp cho cặp "Chánh niệm-Giác tỉnh" này hoàn thành sứ mạng của chúng.
Hãy quan sát tâm, theo dõi tiến trình kinh nghiệm về sinh diệt. Lúc đầu chuyển động có tính cách cố định. Ngay khi một sự vật diệt đi, một sự vật khác lại sinh ra, và bạn sẽ có cảm tưởng rằng sinh nhiều hơn diệt. Dần dần khi tâm quan sát nhạy bén và rõ ràng, bạn sẽ hiểu được tại sao sự vật sinh ra một cách mau lẹ như thế, cho đến một lúc nào đó bạn sẽ đạt đến một điểm, ở đấy sự vật sinh rồi diệt và...không bao giờ sinh ra nữa.
Với chánh niệm bạn sẽ nhận diện được chủ nhân ông thực sự của mọi pháp. Bạn sẽ không còn có tư tưởng đây là thế giới của ta, đây là thân thể của ta mà là thế giới của thế giới, và thân thể của thân thể. Bạn có thể bảo thân thể bạn đừng già được không? Khi dạ dày bạn đau, nó có xin phép bạn không? Chúng ta chỉ là người thuê nhà. Tại sao chúng ta không tìm cho ra ai là chủ nhân thật sự của thân thể này?
Cốt tủy của Thiền Minh Sát
Bắt đầu thực tập bằng cách ngồi ngay thẳng và chú tâm. Bạn có thể ngồi trên sàn nhà hay trên ghế. Trước tiên bạn không cần phải quá cố gắng chú tâm. Chỉ cần để ý đến hơi thở ra vào. Nếu cảm thấy rằng niệm Phật có thể giúp cho sự chú tâm của bạn mạnh hơn, bạn có thể niệm "Phật," "Pháp," hay "Tăng" khi bạn quan sát hơi thở ra vào. (Điều quan trọng là phải chú tâm vào hơi thở, niệm Phật chỉ là phương tiện giúp định tâm.) Khi quan sát hơi thở, bạn phải quan sát một cách tự nhiên, không được điều khiển hơi thở. Cố gắng điều khiển hay kiểm soát hơi thở là một việc làm sai lầm, vì khi điều khiển hơi thở, bạn sẽ có cảm giác hơi thở hoặc quá ngắn, quá dài hay quá nhẹ, quá nặng. Bạn sẽ có cảm tưởng dường như mình thở không đúng cách, và sẽ cảm thấy chẳng thoải mái chút nào. Bạn hãy để hơi thở hoạt động một cách tự nhiên. Làm như vậy cuối cùng bạn sẽ nhận thấy hơi thở vào ra một cách nhẹ nhàng, điều hòa.
Khi quan sát hơi thở ra vào mà bạn tỉnh giác và hoàn toàn ổn định tâm là bạn đã thở đúng cách.
Khi bị phóng tâm, bạn hãy dừng lại, điều chỉnh sự chú tâm, trở về với đề mục chính của mình. Thoạt đầu, khi chú tâm vào hơi thở, tâm bạn có khuynh hướng muốn đưa hơi thở đi theo một chiều hướng nào đó. Hãy bình thản, đừng lo lắng hay tìm cách điều chỉnh nó. Bạn hãy quan sát nó, và để nó tự nhiên. Thiền sẽ tự nó phát triển. Khi bạn làm như thế, có lúc bạn sẽ thấy hơi thở ngưng hẳn, nhưng đừng sợ, bạn sẽ thở lại điều hòa sau đó. Sự ngưng thở chỉ là cảm giác phát sinh từ tri giác của bạn, thực ra hơi thở vẫn tự nhiên và nhẹ nhàng tiếp nối. Một lát sau bạn sẽ thấy hơi thở rõ ràng như trước.
Nếu bạn tiếp tục giữ tâm an tịnh như thế thì bất kỳ bạn đang ở nơi nào -- đang ngồi trên ghế, đang ở trên xe, trên tàu, v. v., bạn đều có thể chú tâm vào đề mục và bước vào trạng thái an lạc một cách mau chóng dễ dàng. Bất kỳ bạn đang ở đâu, bất kỳ lúc nào, bạn đều có thể hành thiền được cả.
Khi đạt đến sự tiến bộ này thì bạn đã hiểu Đạo phần nào rồi đấy. Nhưng bạn phải quan sát những đối tượng của giác quan nữa.
Hãy hướng tâm an tịnh của bạn vào hình sắc, âm thanh, mùi vị, sự đụng chạm và suy nghĩ. Tất cả mọi đối tượng của thân và tâm đều là đề mục để bạn hướng đến. Bất kỳ cái gì phát sinh đều phải quan sát, ghi nhận; phải ghi nhận dù bạn thích hay không thích chúng. Hãy ghi nhận một cách khách quan, đừng để đối tượng yêu ghét ảnh hưởng đến tâm mình. Yêu, ghét chỉ là những phản ứng đối với thế giới bên ngoài. Bạn phải có cái nhìn sâu rộng hơn. Dần dần bạn sẽ thấy mọi cảm giác yêu ghét thực ra chỉ là sự vô thường, khổ và vô ngã. Hãy xếp mọi tốt xấu, hay dở vào ba loại vô thường, khổ và vô ngã. Dầu chúng thế nào đi nữa cũng để chúng yên, chỉ quan sát mà đừng can thiệp vào chúng. Đó là cách hành thiền minh sát. Làm như thế tất cả sẽ được bình an tĩnh lặng.
Chẳng bao lâu, tuệ giác, vô thường, khổ, vô ngã sẽ xuất hiện. Đó là bước đầu của trí tuệ thật sự, cốt tủy của thiền, dẫn đến giải thoát. Hãy theo dõi kinh nghiệm của mình, nhìn nó và tiếp tục cố gắng để thấy chân lý. Hãy học cách khước từ, không vướng mắc để đạt đến bình an tĩnh lặng.
Trong khi hành thiền, nhiều hiện tượng kỳ lạ sẽ đến với bạn -- bạn sẽ thấy ánh sáng, thấy chư thiên, thấy Phật, v. v. Khi thấy những điều đó bạn hãy quan sát mình trước để tìm xem tâm mình đang ở trạng thái nào. Chớ quên điểm căn bản này. Hãy chú tâm, chớ mong mỏi thấy gì, cũng chớ mong hình ảnh đừng đến với mình. Nếu bạn theo đuổi những hình ảnh này, bạn sẽ rơi vào tình trạng ngơ ngẩn vô vị, vì tâm đã đi ra ngoài tình trạng ổn cố. Vậy thì khi những hình ảnh ấy đến, bạn hãy quan sát chúng. Khi quan sát chúng, bạn phải tự chủ, đừng si mê theo chúng. Bạn hãy quán chiếu rằng chúng chỉ là vô thường, khổ và vô ngã. Khi chúng có đến gần bạn đi nữa, bạn cũng đừng lấy đó làm điều quan trọng, hãy nhìn chúng rồi để chúng tự ra đi. Nếu chúng không đi, cũng vẫn tự nhiên, bấy giờ hãy trở về với mục đích của bạn, đó là hơi thở. Bạn hãy thở ra vào ba hơi thật dài, mọi hình ảnh sẽ biến mất. Bất kỳ cái gì hiện ra cũng mặc, hãy tái lập sự chú tâm. Đừng nắm lấy cái gì và xem đó là của mình. Những gì bạn thấy chỉ là những hình ảnh hay những cấu trúc do tâm tạo ra. Đó là sự giả tạo, hư ảo, gây nên yêu thích, nắm giữ hay sợ hãi. Đừng đắm mình vào khi thấy những cấu trúc giả tạo này. Mọi kinh nghiệm bất thường đều đem đến lợi ích cho kẻ trí, nhưng là mối tai hoạ cho người thiếu khôn ngoan. Hãy tiếp tục hành thiền cho đến khi nào bạn không còn bị những hình ảnh quấy nhiễu nữa.
Nếu bạn có thể phó mặc cho tâm như thế thì không còn gì khó khăn nữa. Nếu tâm muốn vui, bạn chỉ cần ý thức rằng niềm vui này không vững bền. Bạn có sợ những hình ảnh xuất hiện trong tâm bạn hay sợ những kinh nghiệm khác mà bạn gặp trong lúc hành thiền không? Hãy tự nhiên làm việc với chúng. Bằng cách này bạn có thể dùng phiền não để huấn luyện tâm mình, và bạn sẽ hiểu được bản chất tự nhiên của tâm, thoát khỏi mọi thái cực, rõ ràng và không dính mắc.
Tâm chỉ là một điểm đơn giản, là trung tâm của vũ trụ, và tâm sở chẳng khác nào du khách đến ngụ trong một thời gian. Hãy tìm hiểu kỹ những du khách này. Hãy làm quen với những bức tranh sống động do họ vẽ và những câu chuyện hấp dẫn do họ kể, hãy ngoan ngoãn theo họ. Nhưng nhớ đừng rời khỏi chỗ ngồi của bạn, bởi vì ngoài chiếc ghế bạn đang sử dụng không còn chiếc ghế nào khác quanh đấy nữa. Nếu bạn tiếp tục giữ chỗ ngồi không rời, chào mừng từng vị khách mỗi khi họ đến, nghĩa là luôn luôn giữ chánh niệm, chuyển tâm đến những người hiểu biết, tỉnh thức, thì những người khách khác cuối cùng sẽ không đến nữa. Nếu bạn thực sự chú ý đến họ thì họ sẽ đến với bạn bao nhiêu lần nữa? Chuyện trò với họ, bạn sẽ hiểu rõ từng người một. Chắc chắn cuối cùng tâm bạn sẽ an tịnh.
Thiền hành
Mỗi ngày đều phải tập kinh hành. Thoạt tiên hãy đan tay vào nhau và dặt trước bụng. Bóp chặt một chút để giữ sự chú tâm. Bước những bước bình thường từ đầu đường kinh hành cho đến cuốn đường, phải biết mình trong suốt đoạn đường. Đến cuối đoạn đường, dừng lại rồi quay lui, tiếp tục đi. Nếu bị phóng tâm, hãy dừng lại để đưa tâm trở về. Nếu vẫn còn phóng tâm, hãy chú ý vào hơi thở, tiếp tục trở lại. Luôn luôn giữ tâm chánh niệm trong mọi lúc là một điều rất ích lợi.
Khi cơ thể mỏi mệt hãy thay đổi tư thế, nhưng không phải cứ thấy muốn thay đổi là thay đổi ngay. Trước tiên phải biết tại sao muốn đổi tư thế -- cơ thể mệt mỏi, tâm dao động, bất an hay làm biếng? Ghi nhận sự đau khổ của cơ thể. Hãy quan sát một cách thoải mái và thận trọng. Tinh tấn thực hành là một yếu tố thuộc về tâm chứ không phải thuộc về thân. Điều này có nghĩa là hãy luôn luôn giác tỉnh trước mọi diễn biến của tâm, đừng để ý gì đến yếu tố yêu ghét. Dầu có ngồi hay đi kinh hành suốt đêm mà không giác tỉnh theo cách này thì cũng chẳng phải là tinh tấn chút nào.
Khi đi từ một điểm này đến một điểm khác mà ta đã định trước, hãy nhìn xuống đất trước mặt bạn khoảng hai thước và chú tâm vào những cảm giác của cơ thể. Bạn cũng có thể niệm "Buddho" (Bút-thô - Phật đà) trong khi kinh hành. Đừng sợ hãi khi thấy những gì hiện khởi trong tâm mình. Hãy đặt câu hỏi với chúng và hiểu chúng. Chân lý là cái gì khác, nằm ngoài tư tưởng hay cảm giác. Vì vậy, đừng đặt lòng tin vào tư tưởng hay cảm giác và để chúng trói buộc mình. Hãy nhìn vào toàn thể tiến trình sinh và diệt. Có như thế trí tuệ mới phát triển.
Khi điều gì hiện khởi trong tâm, phải kịp thời tỉnh giác ngay, giống như khi điện vào bóng đèn thì đèn cháy sáng ngay. Nếu bạn không để ý cảnh giác, phiền não sẽ chiếm tâm bạn. Chỉ có sự chú tâm mới đốn ngả được nó.
Sự hiện diện của những tên trộm khiến ta cẩn thận giữ gìn của cải. Cũng vậy, nhớ đến những phiền não giúp chúng ta siêng năng hành thiền.
Ai mắc bệnh đây?
Cuối mùa xuân năm 1979, Ngài Ajahn Chah đến thăm Trung Tâm Thiền Minh Sát ở Barre, Massachusetts. Ngài dạy một khóa thiền mười ngày ở đây. Mỗi buổi chiều Ngài thường đi dạo quanh trung tâm. Nhìn thấy các thiền sinh đang kinh hành chậm rãi, Ajahn Chah có nhận xét là trung tâm thiền này chẳng khác nào một bệnh viện tâm thần để chữa trị cho những tâm hồn thế tục. Mỗi lần gặp họ, Ajahn Chah thường chúc lành, "Mau khỏi bệnh. Chúc các bạn mau khỏi bệnh."
Tùy theo đặc tính của từng người mà có một phương pháp hành thiền thích hợp. Niệm thân đặc biệt thích hợp với những người có nhiều tham ái hay những nhà sư trong rừng.
Niệm thân là nhìn vào cơ thể, từng bộ phận của thân thể, nhìn sự kết hợp thực sự của chúng. Bắt đầu niệm về đầu: tóc, lông, móng, răng, da. Tách rời chúng ra khỏi những phần khác của cơ thể. Hãy dùng tâm lột lớp da này để nhìn vào tận bên trong. Bạn có thích nó chăng khi nhìn nó với từng phần riêng rẽ? Nhìn vào bản chất thực sự của thân có thể cắt được ba sự trói buộc.
1. Quan niệm làm chủ cái thân: Chúng ta sẽ nhận ra rằng chẳng có cái gì là Ta hay Của Ta. Trên thế gian này chẳng có cái gì là của ta.
2. Hoài nghi: Khi hiểu các pháp đúng theo thực tướng của chúng thì hoài nghi sẽ chấm dứt.
3. Chấp chặt vào hình thức lễ nghi: Trong khi còn bị nghi ngờ ngự trị, chúng ta thường chấp chặt vào các hình thức lễ nghi, cho rằng làm vậy là không đúng, làm thế kia mới đúng, v. v. Nhưng khi thấy rõ ràng rằng thân ta cũng như mọi vật khác đều vô thường, khổ và vô ngã, lúc ấy ta sẽ không còn nghi ngờ và không còn chấp vào các hình thức lễ nghi nữa.
Khi niệm thân, chúng ta không cần niệm tất cả ba mươi hai thể trược. Nếu niệm một bộ phận mà thấy được vô thường, khô, vô ngã, bất tịnh thì cũng thấy được toàn thân ta và thân người khác cũng đều như thế cả. Giả sử bạn có ba mươi hai cục nước đá, bạn chỉ cần sờ vào một cục cũng biết được độ lạnh của tất cả.
Khi bạn có tiến bộ trong pháp niệm thân ô trược thì bạn cũng sẽ tiến bộ với pháp niệm về sự chết. Thực vậy, khi chúng ta tiến bộ về một pháp nào đó thì sẽ có tiến bộ trong các pháp khác. Nếu chúng ta hiểu được các hiện tượng chết của cơ thể chúng ta, chúng ta cũng sẽ bén nhạy trước mọi cuộc sống thế gian này. Tự nhiên chúng ta sẽ tránh khỏi mọi hành động sai lầm và muốn sống một cuộc sống hiểu biết, hòa điệu và cởi mở với mọi người, mọi chúng sanh.
Tập chú tâm
Trong khi hành thiền bạn thường nghĩ rằng sự ồn ào, tiếng xe chạy, tiếng người nói, hình ảnh bên ngoài là những chướng ngại đến quấy nhiễu bạn khiến bạn phóng tâm, trong khi bạn đang cần sự yên tĩnh. Khoan đã! Ai quấy nhiễu ai đây? Thật ra bạn là người quấy nhiễu chúng. Xe cộ, âm thanh vẫn hoạt động theo đường lối tự nhiên của chúng. Bạn quấy nhiễu mọi vật bằng những ý tưởng sai lầm của mình, cho rằng chúng ở ngoài bạn. Bạn cũng bị dính chặt vào ý tưởng muốn duy trì sự yên tịnh, muốn không bị quấy nhiễu. Phải học cách để thấy rằng chẳng có cái gì quấy nhiễu ta cả mà chính ta đã ra ngoài để quấy nhiễu chúng. Hãy nhìn cuộc đời như một tấm gương phản chiếu chúng ta. Khi tập được cách này thì bạn tiến bộ trong từng thời khắc một, và mỗi kinh nghiệm của bạn đều làm hiển lộ chân lý và mang lại sự hiểu biết.
Một cái tâm thiếu huấn luyện thường chứa đầy lo âu, phiền muộn. Bởi thế chỉ một chút yên tịnh do thiền đem lại cũng dễ khiến dính mắc vào. Đó là sự hiểu biết sai lầm về sự yên tịnh trong thiền. Đôi lúc có thể bạn nghĩ rằng mình đã tận diệt được tham lam, sân hận; nhưng sau đó bạn lại thấy bị tràn ngập bởi chúng. Thực vậy, tham đắm vào sự an tịnh còn tệ hại hơn là dính mắc vào sự dao động. Bởi vì khi dao động, ít ra bạn cũng còn muốn thoát khỏi chúng, trong khi đó bạn rất hài lòng lưu giữ sự an tịnh và mong muốn được ở mãi trong đó. Đó là lý do khiến bạn không thể tiến xa hơn nữa.
Khi hỉ lạc phi thường -- một trạng thái thuần tịnh trong thiền minh sát -- đến với bạn, bạn hãy tự nhiên, đừng dính mắc vào chúng.
Dù hương vị của sự an tịnh có ngọt ngào đi nữa cũng phải được nhìn dưới ánh sáng của vô thường, khổ, vô ngã. Hành thiền nhưng đừng mong cầu phải đạt được tâm định hay bất cứ mức tiến bộ nào. Chỉ cần biết tâm có an tịnh hay không an tịnh, và nếu có an tịnh thì mức độ của nó nhiều hay ít mà thôi. Làm như thế tâm sẽ tự động phát triển.
Dầu sao thì cũng phải có sự chú tâm kiên cố để trí tuệ phát sinh. Chú tâm chẳng khác nào bật đèn và trí tuệ là ánh sáng phát sinh do sự bật đèn đó. Nếu không bật đèn thì đèn sẽ không sáng, nhưng không nên phí thì giờ với cái bật đèn. Cũng vậy, định tâm chỉ là cái bát trống, trí tuệ là thực phẩm đựng trong bát ấy.
Đừng dính mắc vào đối tượng như dính mắc vào một loại chú thuật. Phải hiểu mục tiêu của nó. Nếu bạn thấy niệm "Phật" khiến bạn dễ chú tâm thì cứ tự nhiên; nhưng chớ có ý nghĩ sai lầm rằng ngưng niệm Phật là lười biếng. Chữ "Buddho" (Bút-thô - Phật đà) có nghĩa là người hiểu biết thì tại sao phải lập đi lập lại chữ này làm gì?
Kham nhẫn và điều hòa
Kham nhẫn và điều hòa là hai điều căn bản trong sự thực hành của chúng ta. Bắt đầu việc thực hành, chúng ta chỉ cần theo thời khóa đã được ta vạch sẵn hoặc thời khóa do thiền viện qui định. Muốn huấn luyện một con thú, ta phải câu thúc nó. Cũng vậy, muốn huấn luyện tâm, ta cũng phải kềm chế chính mình. Gặp con thú khó dạy, ta phải cho nó ăn ít đi. Ở đây những người hành thiền giữ hạnh đầu đà, hạn chế thức ăn, y phục, chỗ trú ngụ, chỉ giữ những nhu cầu căn bản để cắt đứt tham ái. Đây là những sự thực hành căn bản của thiền.
Luôn luôn duy trì chánh niệm trong mọi tư thế, mọi hoạt động sẽ làm cho tâm an tịnh và trong sáng. Nhưng sự an tịnh này không phải là mục tiêu cuối cùng của thiền. Vắng lặng, an tịnh chỉ giúp cho tâm an nghỉ tạm thời cũng như ăn uống chỉ tạm thời giải quyết cơn đói, chớ đời sống của chúng ta không phải chỉ có chuyện ăn. Bạn phải dùng tâm tĩnh lặng của mình để nhìn sự vật dưới một ánh sáng mới, ánh sáng trí tuệ. Khi tâm đã vững chắc trong trí tuệ, bạn không còn bị dính chặt vào những tiêu chuẩn tốt xấu của thế tục và không còn bị chi phối bởi những điều kiện bên ngoài. Với trí tuệ này thì phân trở thành chất bón -- tất cả kinh nghiệm của chúng ta trở thành nguồn trí tuệ sáng suốt. Bình thường, chúng ta muốn đưọc khen ngợi và ghét bị chỉ trích, nhưng khi nhìn với một tâm hồn sáng suốt, chúng ta sẽ thấy khen tặng và chỉ trích đều trống rỗng như nhau. Vậy chúng ta hãy để mọi sự trôi qua một cách tự nhiên để tìm thấy an bình, tĩnh lặng.
Đừng băn khoăn thắc mắc là phải bao lâu mới đạt được kết quả mà hãy bắt tay vào việc thực hành. Kiên trì thực tập. Nếu đau chân, hãy tự nhủ, "Ta không có chân." Nếu nhức đầu, hãy tự nhủ, "Ta không có đầu." Lúc ngồi thiền ban đêm, nếu buồn ngủ, hãy nghĩ, "Đây là ban ngày." Suốt thời gian hành thiền phải tỉnh giác, chánh niệm vào hơi thở. Nếu bạn có cảm giác khó chịu ở ngực, hãy để ra vài phút thở thật sâu. Nếu bị phóng tâm chỉ cần giữ hơi thở và để cho tâm muốn đi đâu thì đi -- nó sẽ không đi quá xa đâu!
Bạn có thể thay đổi tư thế sau một thời gian hành thiền, nhưng đừng để sự bất an hay khó chịu chi phối tâm mình. Nhiều lúc sự kiên trì chịu đựng đem lại kết quả tốt. Chẳng hạn, khi cảm thấy nóng, chân đau, không thể định tâm, hãy xem như tất cả đều chết, ngồi yên đừng nhúc nhích. Cảm giác đau đớn sẽ lên đến điểm cao nhất, sau đó sẽ tĩnh lặng và mát mẻ. Nhưng ngày kế tiếp bạn sẽ không muốn làm thế nữa. Tự luyện tập đòi hỏi phải có nhiều kiên trì, nỗ lực. Thực tập một thời gian, bạn sẽ biết lúc nào cần phải thúc đẩy, lúc nào cần phải nghỉ ngơi thoải mái, phân biệt được thế nào là mệt mỏi, thế nào là lười biếng.
Đừng bận tâm về chuyện giải thoát. Khi trồng cây bạn chỉ cần trồng cây xuống, tưới nước, bón phân, bắt sâu. Nếu mọi chuyện này đều thực hiện đầy đủ, cây sẽ lớn lên tự nhiên. Bao lâu cây sẽ lên, đó là điều vượt ra khỏi tầm kiểm soát của bạn.
Lúc đầu kham nhẫn kiên trì là hai yếu tố cần thiết, nhưng một thời gian sau đức tin và quyết tâm sẽ khởi sinh. Lúc bấy giờ bạn sẽ thấy giá trị của sự thực hành và bạn sẽ say mê hành thiền. Bạn không còn thích quần tụ mà chỉ muốn ở nơi yên tịnh một mình, bạn sẽ dành thêm thì giờ để thực tập, tự học hỏi.
Hãy bắt đầu thực tập với những bước căn bản. Thành thật, trong sạch và tỉnh giác trong mọi việc bạn đang làm, bình an, tĩnh lặng sẽ theo sau.
Học tụng kinh
Chủ yếu trong việc dạy thiền của Ajahn Chah là giúp thiền sinh làm mọi việc cần thiết để duy trì sự quân bình tâm trí hầu thoát khỏi mọi dính mắc. Một nhà tâm lý Tây phương, xuất gia làm một nhà sư đã học được bài học này. Nhà tâm lý học xin ở lại Wat Pah Pong trong ba tháng hạ với kỳ vọng được ở gần thiền sư đủ khả năng giúp mình hành thiền chóng đạt kết quả tốt. Vài hôm sau, Ajahn Chah thông báo cho tất cả chư tăng biết chương trình tụng kinh hàng ngày là từ 3 giờ 30 đến 4 giờ 40 sáng, và từ 5 giờ đến 6 giờ chiều.
Đó là chương trình mà thiền sinh phải tuân theo trong kỳ hạ này. Nhà sư mới xuất gia giơ tay xin phát biểu ý kiến và bắt đầu tranh luận lớn tiếng rằng ông ta đến đây là để hành thiền, không phải để phí thì giờ tụng kinh. Việc tranh cãi với thầy giữa đám đông theo lối Tây phương này làm nhiều người bất bình. Ajahn Chah từ tốn giải thích rằng hành thiền thực sự là phải giác tỉnh trong mọi hoạt động của mình chớ không phải chỉ tìm sự bình an tĩnh lặng trong lúc ngồi tại sơn am. Ajahn Chah đi đến chỗ khẳng định nhà tâm lý học phải chấp hành đúng đắn tụng kinh hàng ngày nếu ông ta muốn ở lại Wat Pah Pong. Nhà tâm lý học đã ở lại và học tụng kinh tốt đẹp, đàng hoàng.
0 comments:
Post a Comment