Trong khi thực hành có thể có nhiều hình ảnh và ảo tưởng sẽ hiện ra trong tâm bạn. Bạn sẽ thấy những hình ảnh hấp dẫn, sẽ nghe những âm thanh khuấy động -- những loại như thế đều phải quan sát. Loại hình ảnh trong thiền minh sát này có thể có nhiều năng lực hơn những hình ảnh trong thiền định đơn thuần. Những gì hiện lên đều phải quan sát và chỉ quan sát thôi. Gần đầy có một số người hỏi tôi, "Lúc tôi đang ngồi thiền có nhiều hình ảnh hiện ra trong tâm tôi, tôi phải điều tra nghiên cứu chúng hay chỉ ghi nhận sự đến đi của chúng?" Tôi đã trả lời, "Khi bạn thấy một vài người nào đó đi ngang qua, nếu họ là người lạ, bạn sẽ tự hỏi, 'Ai đấy? Họ đi đâu? Họ đang làm gì?' Nếu họ là người quen thì bạn chỉ cần ghi nhận rồi để họ đi qua."
Tham muốn, ao ước trong thực hành có thể là bạn hay kẻ thù. Thoạt đầu, sự tham muốn, ao ước thúc đẩy hay khích lệ việc hành thiền. Chúng ta muốn thay đổi sự vật, muốn hiểu biết, muốn chấm dứt đau khổ. Nhưng nếu luôn luôn ao ước chuyện chưa xảy ra, muốn sự vật diễn ra hay có đặc tính mà chúng không thể có thì chỉ gây thêm đau khổ thôi.
Một vài người hỏi, "Chúng tôi chỉ nên ăn khi đói, chỉ nghỉ mệt như các thiền sư Zen đề nghị hay chúng tôi nên thí nghiệm bằng cách làm ngược lại, nghĩa là ép mình trong khuôn khổ, giờ giấc định sẵn? Và nếu như vậy thì phải ấn định giờ giấc ngủ, nghỉ và số lượng thực phẩm như thế nào mới thích hợp?" Dĩ nhiên phải thí nghiệm, nhưng không thể nào ấn định số lượng nhiều ít được. Phải tự mình ấn định và tìm hiểu lấy. Lúc mới thực hành, chúng ta chẳng khác nào đứa trẻ mới học viết những chữ cái, chữ viết lên xuống, nghiêng ngửa. Dần dần ta sẽ viết ngay ngắn đàng hoàng. Cuộc sống của chúng ta cũng như vậy, nếu chúng ta không sống như thế, chúng ta phải sống thế nào đây?
Thực hành tốt đẹp là tự hỏi mình một cách thành thật, "Tại sao ta sinh ra?" Tự hỏi mình như thế ngày ba lần -- sáng, trưa, tối. Ngày nào cũng tự hỏi như vậy.
Đức Phật dạy Đại đức Ananda phải nhìn thấy sự vô thường và sự chết trong mỗi hơi thở. Chúng ta phải biết cái chết; chúng ta phải chết để sống. Điều này có nghĩa như thế nào? Chết là chấm dứt tất cả mọi hoài nghi, mọi câu hỏi, và chỉ sống với thực tế hiện tại. Không phải ngày mai bạn mới chết, bạn phải "chết" ngay trong hiện tại. Bạn có thể làm được điều đó không? A! Tĩnh lặng làm sao, sự bình an tĩnh lặng của chấm dứt hoài nghi.
Tinh tấn thật sự là trạng thái của tâm chứ không phải của thân. Có nhiều phương pháp định tâm khác nhau cũng như có nhiều cách sống trên cõi đời này. Điều quan trọng là bạn phải tự ăn lấy, chứ không phải cách thức tìm kiếm thức ăn. Thực ra, khi tâm thoát khỏi tham ái, tâm định sẽ khởi lên một cách tự nhiên, chứ chẳng cần một điều kiện nào nữa.
Ma túy có thể mang lại những cảm giác đáng lưu ý, nhưng người dùng ma túy không tạo ra nguyên nhân của hiệu quả này. Họ chỉ tạm thời biến đổi bản chất, chẳng khác nào tiêm cho khỉ một chất thuốc khiến chúng vọt lên cây dừa để hái trái. Những kinh nghiệm này có thể đúng nhưng không tốt, hoặc là tốt nhưng không đúng, trong khi đó Giáo Pháp luôn luôn mang hai đặc tính tốt và đúng.
Đôi lúc chúng ta muốn ép tâm mình phải an tịnh, sự cố gắng như thế càng làm quấy nhiễu thêm. Trong trường hợp này, ta hãy ngưng ngay sự thúc ép, kết quả là tâm định sẽ xuất hiện. Nhưng trong trạng thái bình an tĩnh lặng này, chúng ta bắt đầu băn khoăn, "Sẽ có chuyện gì nữa đây? Điều gì đang xảy ra?" và chúng ta lại dao động trở lại.
Một ngày trước kỳ kết tập tam tạng lần thứ nhất, một vị sư đến nói với Ngài Ananda, "Ngày mai là ngày kết tập tam tạng. Những vị tham dự đều hoàn toàn đắc đạo." Lúc bấy giờ Ananda chỉ mới đạt quả thánh đầu tiên, nên Ngài quyết định dốc toàn lực hành thiền suốt đêm để đạt thành quả cuối cùng. Nhưng sự cố gắng quá sức này đã làm Ananda mệt mỏi. Không đạt được chút tiến bộ nào do nỗ lực của mình, Ananda quyết định đi nghỉ một lát. Nhưng trong khi đặt mình xuống nghỉ, đầu chưa chạm gối, Ananda đã đắc đạo. Tóm lại, chúng ta phải học cách loại bỏ tham ái, dầu đó là ý muốn đắc đạo, mới giải thoát được.
0 comments:
Post a Comment