Monday, May 6, 2013

Tu Chỉ - Thiền Sư Ajahn Chah giảng


Pháp Thiền Phật giáo nào cũng khởi đầu bằng tu Chỉ (Samatha) để tập cho tâm yên tĩnh rồi mới tiến đến tu Quán. Pháp tu của Ajahn Chah rất là thực tế, dễ hiểu nên nhiều người có thể áp dụng được. Theo đại đức thì bước đầu cần áp dụng pháp "theo dõi hơi thở" (Anapanasati) bằng cách chú ý vào chóp mũi hoặc môi trên gần chân mũi, để thấy rõ hơi thở ra, hơi thở vào ở nơi đó. "Ðiểm chánh là phải ghi thấy rõ hơi thở trong khi thiền, như vậy hành giả hằng biết lúc nào hơi thở ra và lúc nào hơi thở vào.Khi bước đi thì thấy rõ cảm giác khi chân chạm đất."[1] Lúc đầu nếu chưa chú tâm được thì có thể theo dõi hơi thở vào đi qua mũi, ngực, bụng, còn hơi thở ra từ bụng lên ngực và mũi. Sau khi đã có tiến bộ về sự chú tâm thì chỉ cần theo dõi hơi thở ở mũi thôi. Trong bước đầu mà sự chú tâm còn yếu thì có thể dùng câu chú "Bud-dho" mỗi khi hơi thở vào và ra. Cũng có thể niệm "Dharmo" hoặc "Sangho"[3]. Câu chú chỉ có mục đích chú tâm chứ không có mục đích nào khác nên đại đức nói là có thể dùng câu nào khác cũng được[1]. Ðiều cần là phải tập cho đều thì mới có kết quả tốt. Khi đang theo dõi hơi thở nếu có ý nghĩ khác chợt đến thì cần gạt đi để chỉ thấy biết có hơi thở. "Ðừng nghĩ đến điều gì hết - chỉ theo dõi hơi thở",[1] đó là điều mà đại đức nhắc nhiều lần. Trong khi tu Chỉ thì "Ðừng nghĩ" đây không phải là chỉ nói riêng đến những ý nghĩ lăng xăng vô ích mà ngay cả những ý nghĩ như cố giữ cho tâm an tịnh, như cố gắng để chứng đắc, hoặc cố giữ cho đừng có ý nghĩ nào nổi lên[3]. Ðiều khó khăn khi bắt đầu tu Chỉ là hành giả muốn tâm yên tĩnh để chú tâm theo dõi hơi thở nhưng những ý nghĩ không đâu vẫn ào ào nổi dậy, mặc dù có đem hết ý chí cương quyết để dẹp bỏ mà không được. Hành giả trở nên chán nản vì cái tâm "bất trị" và cho rằng không thể nào tu được. Ðại đức thấy rõ điều này nên trong nhiều bài giảng đã chỉ kỹ càng. Ðiều cần trước hết là phải kiên trì tiếp tục vì tu tập lâu ngày sẽ có kết quả tốt chứ không thể muốn gì cũng cấp tốc, tức khắc. Ðiểm chánh là cần biết nhìn thẳng vào tâm mình để hiểu nó thì mới có kết quả được. Cái tâm chưa được luyện tập thì đặc tính tự nhiên của nó là vọng động, chạy chỗ này, chạy chỗ kia, không lúc nào ngừng. Ðặc tính của tâm phàm là vậy, mình đang sống với phiền não thì tâm đó không ngừng dao động. Thấy được tánh chất của tâm phàm là vậy thì mình sẽ không thấy khổ sở và chán nản khi muốn trị nó ngay mà không được. Thấy điều đó là đã bắt đầu nhìn rõ "như thực", tức vạn vật thế nào, thấy được như vậy. Lúc đó hành giả có thể nói: "À thì ra tâm vọng nó là như vậy." Hành giả sẽ không còn thấy cần phải chống đối với nó nữa. Sau đó hành giả chỉ cần "theo dõi" hơi thở, tức là chỉ thấy biết một cách tự nhiên, không phải chủ ý điều khiển hơi thở, cũng không phải là tập trung tư tưởng. Ðại đức kể kinh nghiệm riêng: "Khi tôi không làm gì đặc biệt hết và tôi không đang hành Thiền, thì tôi thấy bình thường. Nhưng khi tôi có chủ ý là tập trung tư tưởng thì tâm trí tôi rối loạn. Mọi cố gắng để bắt buộc tâm mình an tĩnh chỉ là biểu thị sự bám chấp và mong cầu, điều đó lại càng khiến tâm rối loạn"[2]. Tâm đang rối loạn mà nay lại thêm ý muốn là mình phải trị cho nó yên lặng, chỉ làm tăng thêm sự rối loạn. Nói như vậy không phải là hành giả cứ ngồi yên để các phiền não tiếp tục khuấy động như trước. Chính lúc hành giả thấy rõ những cảm giác, ý nghĩ lăng xăng nổi lên và hiểu rằng chúng chỉ là trạng thái tự nhiên của tâm vọng thì sẽ thấy là chúng không có một thực thể mà chỉ là hiện tượng do duyên nào đó tạo ra thôi và do mình bám níu mà có. Thí dụ như khi đang ngồi Thiền mà có tiếng động nào đó làm mình cảm thấy bực tức, khổ sở. Thực ra tiếng động tự nó đâu có ý thức muốn gây phiền não cho hành giả. Mà chính là tâm hành giả đã tạo ra phiền não đó. Tiếng động là một hiện tượng ở ngoài, mà tâm hành giả đã thọ nhận rồi tạo ra sự bực tức. Chỉ cần coi tiếng động là tiếng động, tâm mình là tâm mình, không bám níu, không chấp vào đó thì mọi sự an bình. Biết như vậy, hành giả chỉ cần ghi nhận những ý nghĩ, cảm giác nổi lên mà không chạy theo, bám níu chúng thì tự chúng sẽ qua đi, sau đó hành giả tiếp tục chú tâm vào việc theo dõi hơi thở. Ðó là hành giả đã biết tách rời tâm và cảm giác, không để tâm bị cảm giác chi phối. "Cảm giác" (feeling, danh từ Pali là Vedana, tức Thọ) dùng theo nghĩa của đại đức là những tâm trạng khởi lên khi ngoại cảnh hoặc hình bóng ngoại cảnh qua sáu căn, tác động vào tâm.[2] Ngay những lúc không ngồi Thiền, hành giả vẫn theo dõi tâm trạng của mình đễ biết rõ chúng đang ở trạng thái nào, đang bị những cảm giác nào chi phối. Biết chúng nhưng không để chúng chi phối tâm mình. Khi sự chú tâm đã thuần thục thì tâm sẽ trở nên an tịnh. Pháp tu này có lợi là khi có sự hằng biết, tức là chú tâm một cách liên tục, thì tâm vẫn giữ được an tịnh ngay trong mọi tư thế như đi, đứng, nằm, ngồi chứ không phải chỉ an tịnh khi ngồi Thiền, còn khi đi, đứng thì tâm lại rối bời như trước. Mục đích của tu Chỉ là đạt được Ðịnh. Ðại đức cũng lưu ý những hành giả khi đã đạt được Ðịnh trở nên mê mải, hài lòng và tự mãn với tình trạng đó: "Khi hằng biết về mọi tác động và hoạt động của mình thì hành giả đạt được tâm an định và trong sáng. Nhưng cái an định này không phải là mục đích cuối cùng của việc tu hành. Tình trạng an định giúp cho tâm tạm thời yên tịnh, cũng như ăn thì tạm thời làm hết cơn đói lúc đó, nhưng không phải chỉ có thế là đủ. Hành giả cần biết dùng tâm an định đó để nhìn sự vật dưới một ánh sáng mới, ánh sáng của Trí huệ." [3] 

0 comments:

Post a Comment