Đây là món chè thập cẩm nấu toàn bằng trái cây (củ, quả…) được người dân miền Tây rất ưa chuộng trong các ngày các ngày giỗ, chạp hay ăn chay.
Muốn có nồi kiểm ngon không thể thiếu nguyên liệu cơ bản là dừa (dừa khô, dừa nạo). Dừa nạo lấy nước và lấy cái nạo thành sợi như con bánh canh. Dừa khô nạo lấy nước cốt và lấy nước dão. Thêm vào đó là các nguyên liêu khác như đậu đũa (cắt khúc), mướp khía (gọt vỏ, xắt lát), khoai lang, bí rợ, sa kê (gọt vỏ, xắt hình hạt lựu), nấm mèo (ngâm nước rửa sạch, xắt sợi), bột khoai, bột báng, táo đỏ, đậu phộng, hạt sen, tàu hũ ky… (ngâm nước cho mềm, bẻ đôi hoặc cắt khúc ngắn).
Lưu ý: Phân loại các nguyên liệu (rau, củ quả…) nào có thời gian nấu chín ngang nhau để nấu chung một nồi trước (tránh thứ mềm trước, thứ mềm sau, mất ngon).
Trước hết, ướp muối + đường vào sa kê, khoai lang và bí rợ vào nồi cho ngấm. Cho nước dừa, nước cốt dão ngập xâm xấp vào khoai lang, bí rợ, sa kê nấu chín để sẵn ra nồi thứ nhất. Kế đến, cho những nguyên liệu (đã sơ chế) như đậu đũa, đậu phộng, hạt sen, …(đã ướp muối + đường) vào nồi thứ hai nấu chín. Đổ hai thứ cho vào chung một nồi. Thả cái dừa nạo, tàu hũ ky, bột khoai, bột báng, táo đỏ,… vào sau rốt. Cuối cùng, cho nước cốt đậm đặc vào. Nêm nếm lần cuối cho vừa khẩu vị, nhắc xuống. Nhớ thêm vào nhúm đậu phộng rang giã giập khi múc ra tô là xong.
Dùng muỗng múc một miếng kiểm cho vào miệng nhai chậm rãi. Vị béo, ngọt, của nước cốt dừa, của khoai lang, bí rợ; hòa lẫn vị bùi bùi, nhạt nhạt của sa kê lan tỏa vào vị giác, len xuống thực quản… tạo thành một “hợp khúc rau quả thiên nhiên thuần khiết”, vô cùng hấp dẫn...
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)