"...Con người sở dĩ đau khổ triền miên là vì tâm chấp giữ quá nặng. Cứ nắm hoài. Nắm rồi chứa. Khi nghe một câu nói không vừa ý thì ghi khắc trong lòng, mà ghi sâu chừng nào thì mệt chừng ấy. Còn giận ai thì giận suốt đời không quên. Như vậy làm sao mà vui được. Lâu lâu ra đường gặp mặt người đó cười được không? Nếu trong lòng giận chừng mười người như vậy thì sao? Ở kia gặp người này không ưa, xuống miền tây gặp người kia không hợp, thì trong lòng chắc là ít có mùa xuân.
Chúng ta nhớ rằng chẳng lẽ mình sống trên đời để giận để hờn nhau hay sao? Đó là điểm để chúng ta kiểm lại, đánh thức mình. Có khi mười năm, hai mươi năm về trước, người đó đối xử tệ xấu với mình, bây giờ đã thay đổi không phải như xưa, nhưng chúng ta cứ nhớ chuyện người ta đã xử tệ ngày trước, rồi theo đó mà đối xử buồn vui với họ.
Cho nên điều thứ sáu trong kinh Bát Đại Nhân Giác có câu:
"Quán thân đồng chẳng so đo,
Cũng không nhớ đến ác xưa người làm.
Người dù tạo ác gây hờn,
Cũng không ghét bỏ chỉ thương mê lầm."
Phật dạy quán thân mình và người bình đẳng như nhau, không so đo tính toán, cũng không nhớ đến điều ác xưa người đã tạo. Chuyện xưa qua rồi không nhớ nữa.
Dù người đó có tạo ác gây hờn với mình nhưng đã biết đạo thì cũng không ghét bỏ, vì nếu họ không mê thì đâu ai làm vậy, chỉ cảm thương họ gây tạo quả xấu, vậy thôi!. Nhờ đó, chúng ta được cởi mở, được nhẹ nhàng. Vậy bí quyết để an vui là gì? Là hỷ xả, "hỷ xả thì được an vui, còn chấp giữ thì đau khổ".
(Trích TÂM XUÂN - Thiền Sư Thích Thông Phương)