Monday, November 9, 2015

Ðại Sư Hám Sơn khai thị cho Từ Tịnh Chi.



  Phật dạy rằng pháp ở trên dưới ba cõi, duy chỉ do nhất tâm tạo tác. Trên ba cõi, tức bốn thánh vị xuất thế gian, là Phật, Bồ Tát, Thanh Văn, Duyên Giác. Dưới ba cõi, tức sáu đường phàm phu, là trời, người, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, và A Tu La. Ba đường ác cũng nằm trong mười pháp giới. Tất cả thánh phàm, nhân quả thiện ác, chánh báo y báo trang nghiêm, đều do một tâm tạo tác. Tâm này không khác với tâm liễu tri phân biệt thường ngày của chúng ta. Thế nên, tất cả đều do tâm này, mà không có gì khác tạo ra. Hiện tiền, trong cuộc sống hằng ngày, niệm niệm tạo nghiệp, nên lưu chuyển trong mười pháp giới. Nếu một niệm do tham sân si mà tạo ra mười việc ác (thân ba: giết hại, ăn cắp, tà dâm; tâm ba: tham lam, sân hận, si mê; miệng bốn: nói láo, nói lưỡi đôi chiều, nói lời ác độc, nói lời thêu dệt) thì đó là tạo nhân khổ trong ba đường ác. Nếu trong một niệm mà chuyển mười việc ác thành mười điều lành, thì gieo nhân diệu lạc ở cõi trời người. Nếu nơi một niệm, thiện ác đều mất, trong không thấy có Ta, ngoài không thấy có người, nhất tâm tịch tĩnh, tức gieo nhân Thanh Văn vượt xuất khổ đau. Nếu quán hiện tiền khổ lạc, thuận nghịch đều do nhân duyên sanh diệt, hay lưu chuyển sanh diệt, tức là thành nhân của Duyên Giác.
Nếu nhất niệm liễu tri nhân duyên của nhân pháp vô ngã, hiểu tánh vốn không, chẳng có kẻ làm người thọ, mà không ngại hiện hành bố thí, trì giới, nhẫn nhục, cùng những thiện hạnh trong sáu đường, để hóa độ chúng sanh, tức là nhân của Bồ Tát.
Nếu một niệm đốn ngộ tự tâm, gốc vốn quang minh quảng đại, bao trùm muôn vật, cứu độ muôn loài, liễu không một pháp đương tình, chúng sanh và Phật đồng bình đẳng, tức là nhân thành Phật.
Tâm này quảng đại bao la, bổn lai thanh tịnh, quang minh viên mãn. Nếu thường ngày niệm niệm ngộ tâm này thì tuy cư nơi trần lao, mà làm người xuất thế. Thế nên, Duy Ma Cật xưng đây là pháp môn không hai. Cư sĩ nếu thể hội được mà hành, thì tất cả oán ân, thị phi, nhân ngã, phiền não, căn tình, đều ứng theo niệm mà hóa thành tạng quang minh. Nơi mọi cảnh giới trong thường ngày, hãy dùng niệm niệm giác sát, xem xét. Nếu vừa thấy mình không thể an nhẫn vì bị phiền não làm chướng ngại, phải đề khởi câu kệ 'xưa nay vốn không một vật' của Lục Tổ, như dùng bảo kiếm kim cang chặt đứt mọi phiền não, thì thân tâm hóa thành hồ nước trong thanh. Dùng lực hành như thế, và năng tinh tấn bất thối, tức đốn ngộ chứng đắc nơi tràng đại giải thoát. Sao còn chạy bên ngoài mà cầu Phật pháp !
Một trong những nguyện lực của Phật Di Ðà là:" Chúng sanh trong mười phương thế giới, nếu năng niệm danh hiệu Ta, mà không sanh về cõi nước Ta, thì Ta thệ không thành Phật."
Dựa vào nguyện lực này, nếu người thường niệm Phật, thì Phật Di Ðà quyết sẽ đến tiếp dẫn, sanh qua cõi tịnh độ kia, thật rất dễ dàng.
Cõi Tịnh Ðộ đó, khai mở có chín phẩm. Nếu tham thiền ngộ tâm, mà chưa quên tâm cảnh, tức sanh thượng thượng phẩm. Nếu niệm Phật nhất tâm bất loạn, tức sanh thượng trung phẩm. Nếu tham thiền mà chưa đốn ngộ, nhưng chuyên trì danh tinh thuần, và trang nghiêm vạn hạnh, tức sanh thượng hạ phẩm. Nếu tu vạn hạnh, và tụng niệm kinh điển đại thừa, lại chuyên trì danh hiệu Phật, chí nguyện vãng sanh, tức sanh trong ba phẩm bậc trung. Tinh tấn trì năm giới và mười điều lành, lại chuyên tâm niệm Phật, phát nguyện hồi hướng, không luận tăng tục, thì phần nhiều vãng sanh trong ba phẩm bậc hạ.
Tuy chưa đoạn phiền não, nhưng vẫn được vãng sanh qua cõi nước kia, thấy Phật nghe pháp, cư nơi địa bất thối, mãi chẳng đọa lạc vào ba cõi sanh tử, rồi từ đó phát nguyện, trở lại ba cõi độ sanh, đến đi tự tại, không bị sanh tử khổ não ràng buộc. Vì vậy, thiền sư Vĩnh Minh bảo:" Nếu được thấy Di Ðà, hà sầu chẳng khai ngộ !"
Pháp môn này, nếu suốt đời tinh tấn khẩn thành tu trì thì chắc sẽ được sanh qua cõi đó, đốn thoát sanh tử, mãi mãi xuất ra khỏi luân hồi. Pháp môn trực tiệp như thế, sao lại lo sầu mà không chịu tu, lại còn khinh bạc ! Tham thiền liễu sanh tử rất khó. Niệm Phật cắt đứt sanh tử dễ dàng, chỉ cần phải nhất niệm chân thật khẳng khái thiết tha. Từ xưa, người được vãng sanh qua cõi Tịnh Ðộ thật vô lượng vô biên. Thế nhân mắt thấy mà không tin, vậy tin vào pháp nào !
Nay phụng khuyến các bậc cao minh trí sĩ, nên tin tự tâm, không thể lầm tín tà thuyết. Nơi đây, có rất nhiều vị kiêm lẫn hai pháp thiền tịnh. Như lời thiền sư Vĩnh Minh bảo:" Tham thiền cùng niệm Phật, niệm Phật và tham thiền, có thiền có Tịnh Ðộ, như hổ thêm sừng. Hiện đời làm thầy người. Tương lai thành Phật Tổ."
Ðây vốn là hạnh tối thượng.
Tất cả chúng sanh tự mê mờ Phật tánh sẵn có, nên đọa lạc vào ba cõi sáu đường luân hồi sanh tử khổ nạn, bao kiếp lâu dài trầm luân, không thể vượt ra khỏi. Lại nữa, đều do tham sân si ái, mà họ chấp chứa bao nghiệp ác sát đạo dâm vọng. Xả thân thọ thân, đều dùng dâm dục làm chánh tánh mạng. Sanh sanh thế thế, cha mẹ vợ con, lục thân quyến thuộc, ân ái kiên cố triền miên. Lửa lớn đốt cháy phừng phựt trong ba cõi, không một ai được miễn !

http://www.dharmasite.net/kthsdsa.htm#9

0 comments:

Post a Comment